Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024 | 16:41

Đổi mới công nghệ, chìa khóa phát triển kinh tế số, kinh tế xanh

Đổi mới công nghệ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh, để thực hiện được việc này Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới…

Tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” diễn ra ngày 17/4, nhiều khó khăn, thách thức cũng như giải pháp trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh đã được đưa ra.

Còn nhiều khó khăn

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

Toàn cảnh diễn đàn.

Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Nếu không giải quyết kịp thời, tới đây những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, nguồn lực, tài chính, nhân lực và trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19… cũng là thách thức không nhỏ trong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việc nhìn nhận biết rõ được những khó khăn nêu trên vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Những năm gần đây,kinh tế số, kinh tế xanh đã được áp dụng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại diễn đàn, ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH-CN cho rằng, tại Việt Nam, đổi mới công nghệ chủ yếu tập trung vào việc ứng dụng, cải tiến các công nghệ sẵn có, chưa chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn, công nghệ mới. Để đổi mới công nghệ đóng là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam, các chính sách, giải pháp hỗ trợ về đầu tư, kết nối, pháp lý và phát triển nguồn nhân lực sẽ cần được ưu tiên và chú trọng triển khai thực hiện.

Theo ông Chử Đức Hoàng, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực CNTT, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế: hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.

Ông Hoàng nhận định, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số do thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh mới ở giai đoạn sơ khai. Kết nối và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế: gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các bộ, ngành. Mới chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở. Rủi ro an ninh mạng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược ứng phó. Khoảng cách kinh tế số, kinh tế xanh giữa các địa phương còn xa trong đó các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng chiếm 70% doanh nghiệp công nghệ số và các dự án năng lượng sạch, sản xuất sạch tập trung chủ yếu ở miền Nam và miền Trung.

Triển khai nhiều giải pháp 

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh như cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho quá trình xây dựng kinh tế xanh, chuyển đổi xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án xanh.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham luận tại diễn đàn.

Tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức và tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…

Tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu.

Đổi mới công nghệ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh, đề thực hiện được việc đó, theo ông Chử Đức Hoàng, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.

Ông Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH-CN.

Tăng cường kết nối, liên kết thông qua thúc đẩy liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp; Xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách thông qua hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ; Xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh mạng

Ưu tiên nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, làm chủ công nghệ mới; Xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

Đặc biệt cần nhận định, kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, ươm mầm ý tưởng sáng tạo, ông Chử Đức Hoàng nhấn mạnh.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top