Được thành lập từ năm 1997, nằm trên địa phận thị tứ Truông Bát, xã Hà Linh (Hương Khê - Hà Tĩnh), Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh (nguyên là Lâm trường trồng rừng Truông Bát) đã có bước phát triển vượt bậc. Đã có thời điểm công ty mua đất, cất trụ sở, bỏ núi về làm việc ở thành phố. Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm, ban lãnh đạo công ty lại về với rừng, với khát khao tìm lại “hào quang của một thời vàng son” đã vào quá vãng.
“Vàng son một thuở!”
Ngược thời gian, trở lại thời điểm năm 1998, khi Công ty cao su Hà Tĩnh được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chấp nhận làm thành viên, ngày ấy, anh em công nhân thuộc Lâm trường trồng rừng Truông Bát còn nhiều đắn đo. Người có tư tưởng đổi mới thì hào hứng đón chờ một cuộc “cách mạng”, người an phận thì suy tư: “Biết có ổn không hay lại dắt díu nhau về quê”. Cũng dễ hiểu, bởi thời ấy, cả lâm trường còn mang nặng dư âm của thời bao cấp, làm công ăn lương.
Nhưng khi nhập cuộc trở thành thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, công ty được đầu tư khá toàn diện trên tổng diện tích gần 15.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Sau khi chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng mới cao su, chỉ trong vòng 2 năm, từ một đơn vị lực lượng lao động ít ỏi, công ty đã tuyển dụng thu hút trên 1.800 lao động, chưa kể hợp đồng thời vụ với hộ dân; lương, thưởng đầy đủ, cuộc sống người lao động luôn ổn định. Đến năm 2014, công ty có tổng diện tích cao su gần 6.000ha. Đặc biệt, để phát triển cao su sang nước bạn Lào, công ty đã chớp lấy thời vận phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong nước bạn Lào trồng mới được trên 1.000ha cao su tại tỉnh Polykhamxay. Tất cả các diện tích cao su trong nước và nước bạn đều phát triển tốt.
Cũng thời điểm này, giá mủ cao su đạt đỉnh, lên tới 11,5 triệu đồng/tấn, thấy ăn nên làm ra nên lãnh đạo Công ty cao su Hà Tĩnh đã bỏ rừng để về thành phố đặt trụ sở làm việc. Dẫu sao đây cũng là một điều đáng được ghi nhận trong sự phát triển của công ty trong thời hoàng kim. Nhưng đằng sau đó nhiều vấn đề bất cập luôn xảy ra, cảm thấy bất ổn, Tổng giám đốc công ty Nguyễn Khánh Toàn đã xin phép lãnh đạo Tập đoàn, cán bộ công nhân công ty xin được “dời đô” về lại với rừng. Tháng 2/2016, “thầy trò” công ty lại lỉnh kỉnh khăn gói trở về Truông Bát, nơi “chôn rau cắt rốn” ấy có khói lam chiều, có dàn mướp rực rỡ hoa vàng, có rừng, có núi và cả bạt ngàn cao su phủ bóng chở che cho những phận người đã gắn bó với rừng, với sự nghiệp phát triển cao su trên đất Hà Tĩnh.
Dưới mái nhà xưa
Về lại chốn xưa, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ lạ của Truông Bát, hơi ấm tình người như lan tỏa từ mỗi cán bộ, công nhân đến mỗi đồng bào dân tộc trong vùng. Tất cả xem rừng như mái nhà chung.
Vẫn nếp nhà cũ cấp bốn, vẫn ngôi trường ê a tiếng con trẻ đánh vần, chị Trần Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty vui vẻ tâm sự: Khi được lãnh đạo Tập đoàn nhất trí cho công ty chuyển về chốn cũ, chúng tôi cảm thấy ấm lại một cuộc đời của những người công nhân lâm nghiệp. Bởi đã làm rừng thì phải gắn bó với rừng, phải luôn gần gũi với anh em công nhân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, kể cả những khi tối lửa tắt đèn". Cũng theo Chủ tịch Công đoàn Công ty, được trở về chốn cũ, mặc dầu mọi thứ vẫn còn thiếu thốn nhưng lãnh đạo Cty đã tập trung sức lực, trí tuệ để bộ máy đi vào hoạt động có hiệu quả, đảm bảo thời gian, giờ giấc làm việc. Hồng dẫn tôi tham quan một vòng, mặc dầu mọi công trình cơ sở hạ tầng vẫn nguyên sơ nếp cũ để lại. Các phòng, ban làm việc đều được sắp xếp lại, ngăn nắp, gọn gàng và có phần bề thế hơn xưa. Cứ mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, các đơn vị lại kéo nhau về Cty thi đấu các môn thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… Rõ ràng, những mầm sống mới bắt đầu xanh tươi trở lại!
Đêm Truông Bát mùa này buông nhanh. Xa trong ngút ngàn cao su, tiếng đôi chim không tên, tìm bạn tình nghe da diết, mời gọi. Nâng chén chè xanh sóng sánh, Phó tổng giám đốc Đặng Bá Tú trầm tư, những năm 2014 về trước, tổng diện tích cao su của Cty đạt gần 6.000ha, nhưng thực hiện quy hoạch cho các dự án trọng điểm của tỉnh, Cty đã bàn giao thanh lý một số diện tích cao su đang kỳ khai thác ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Sau mấy năm chuyển đổi, đến thời điểm này, Cty còn lại trên dưới 3.000ha. Do thời tiết bão lũ, rét đậm, rét hại đã làm cho một số diện tích cao su bị gãy, chết; năng suất mũ giảm, trong đó có một số diện tích qua kiểm kê cho thấy chỉ còn trên dưới 150 cây/ha. Số đạt tiêu chuẩn còn khoảng 2.500ha, trong đó số diện tích đưa vào khai thác xấp xỉ 2.000ha, cho năng suất bình quân đạt trên dưới 1 tấn/ha. “Trước đây, năng suất đạt trên 1,5 tấn/ha nhưng nay sao lại tụt xuống như vậy?”, tôi buột miệng hỏi anh. “Việc giảm sụt năng suất hoàn toàn không có gì lạ, bởi thời tiết khắc nghiệt, bão lũ làm cho cây bị đỗ gãy, rét đậm, rét hại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển… Đặc biệt, việc đầu tư, chăm sóc bị tụt giảm do khó khăn chung của Tập đoàn kể từ khi giá mủ giảm. Trước đây, mỗi năm bón 2 đợt phân nhưng nay suất đầu tư cắt giảm chỉ còn giá trị 1/3 nên năng suất bị giảm sâu như thế đó", giọng nặng nỗi niềm, Tú cho tôi hay.
Tái cơ cấu – tìm lại hào quang xưa
Bữa cơm bên bếp ăn của tập đoàn còn đang dở dang thì Tổng giám đốc Nguyễn Khánh Toàn xuất hiện trong bộ đồ bảo hộ lao động ở rừng về. Mệt mỏi sau một ngày dài, xắn quần cùng anh em công nhân đi thực địa các lô cao su, nhưng sâu trong mắt anh vẫn ánh lên cái vẻ quyết tâm lắm.
Đã mấy chục năm qua đi, tôi mới lại được ngồi bên mâm cơm bếp ăn tập thể với những người lao động nghề rừng. Bàn ăn rất đơn sơ, giản dị với 1 đĩa rau sống, một món cá suối kho khế, mỗi khẩu phần còn có thêm một quả trứng luộc, mấy quả cà 1 bát canh rau hái từ rừng về. Người lo lắng cho mỗi bàn ăn của cán bộ, công nhân Cty là một nữ công nhân, được Cty phân làm cấp dưỡng.
Trở về phòng làm việc, Tổng giám đốc Nguyễn Khánh Toàn cho tôi xem toàn bộ hồ sơ Dự án phát triển năm 2017 của Cty là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi hàng hóa công nghệ cao. Lướt qua sơ đồ bản vẽ thiết kế vùng đất được chuyển đổi từ diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng cam chất lượng cao. Bên ấm nước chè xanh chát đậm Toàn kể, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tập đoàn cũng như của tỉnh, Cty lập phương án xin chuyển đổi 500ha cao su kém hiệu quả, không bảo đảm mật độ quy định (phải đạt từ 500 cây/ha nay chỉ còn trên dưới 150 cây/ha) sang trồng 200ha cam chất lượng cao và 300ha củ nghệ. Nếu được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho phép, Cty sẽ thực hiện trồng 200ha cam Cao Phong được chuyển giao công nghệ khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, kể cả 300 ha trồng củ nghệ. Từ đầu vào đến đầu ra Cty đã có hướng đi cụ thể. Cũng theo Tổng giám đốc Nguyễn Khánh Toàn, sau khi thực hiện dự án, Cty sẽ giao khoán cho mỗi gia đình công nhân 1ha để chăm sóc, bảo vệ. Sau 3 năm ra sản phẩm sẽ được ăn chia rõ ràng, minh bạch, ưu tiên trên hết cho người lao động. Còn đối với cao su, Cty sẽ co cụm để lại chừng 2.500ha, tập trung chăm bón có sự hỗ trợ suất đầu tư của Tập đoàn để duy trì, phát triển tốt hơn. Bởi cây cao su vẫn là cây mũi nhọn.
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như phương án của Cty đề ra thì cần phải có vốn cho mỗi ha đầu tư trồng cam khép kín 3 năm là 250 triệu đồng/ha. Tổng dự án Cty phải có nguồn vốn từ 50-70 tỷ đồng. Tôi hỏi, với số kinh phí trên, Cty sẽ định hướng như thế nào? Tổng giám đốc Toàn ngước nhìn lên bầu trời cao xanh như để cầu xin, mong sao được vay số tiền nói trên để cứu cánh, sớm cải thiện cuộc sống cho công nhân lao động.
Tôi rời Truông Bát khi mặt trời đã rải những vạt nắng óng ả trên bạt ngàn màu xanh cao su. Biết bao cuộc đời công nhân lâm trường nơi đây đã được màu xanh này che chở, cứu vớt!? Sẽ không ai nhớ hết. Khó khăn trước mắt hẳn sẽ còn nhiều lắm! Nhưng cũng như họ, tôi mong muốn lãnh đạo C.ty sớm tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ các cấp, ngành, tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Và, xa hơn nữa là để Truông Bát tìm lại ánh hào quang xưa.
Truông Bát tháng 12/2016
Anh Bình
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…