Năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tạo lập cột mốc đáng ghi nhớ. Tiếp đà, hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2023, kỳ vọng cả năm có thể đạt 6,5 - 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6 tỷ USD.
Tuy vậy, để đạt mục tiêu kỳ vọng, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để vừa nâng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn với mở rộng thị trường.
Xuất khẩu thuận lợi, tăng trưởng cao
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả mang về trên 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng tới 89 % so với tháng 1/2023. Sang tháng 2/2024, do trùng với Tết Nguyên đán, hoạt động xuất khẩu tạm ngừng trong 1 tuần, nhưng xuất khẩu rau quả vẫn đạt 460 triệu USD, tăng 56% so với tháng 2/2023. Xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2024 đạt 970 triệu USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Huy Hoàng Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, xoài, dừa tươi), cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu trái cây của Hoàng Phát sang các thị trường Nhật, Hàn, Australia, New Zealand tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2023, kỳ vọng có thể đạt 6,5- 7 tỷ USD trong năm 2024.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dự báo, năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng 15-20%. Thậm chí, nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Nghị định thư mang lại, xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5-7 tỷ USD. Chỉ 2 tháng đầu năm, ngành rau quả đã mang về gần 1 tỷ USD, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước gần 73%. Nếu duy trì tốt đà tăng trưởng này, xuất khẩu có thể đạt 6,5 tỷ USD. Còn nếu mở thêm được thị trường mới, có thể đạt 7 tỷ USD.
Cũng theo ông Nguyên, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, nhất là mặt hàng sầu riêng, thanh long, mít, chuối, xoài… Đặc biệt, dừa trái hứa hẹn cho kim ngạch 500-600 triệu USD nếu Nghị định thư được ký kết.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2023, Việt Nam đã hoàn thiện nhiều “visa” cho nhiều loại trái cây được phép xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 2024, sẽ tiếp tục đàm phàn mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho xuất khẩu rau quả. Thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.
Ở một diễn biến khác, mới đây, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) phối hợp với các sở ngành, HTX Cù Lao Giêng và Công ty Xuất - Nhập khẩu Vina T&T công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên sang thị trường Australia, Mỹ. Đây là lô xoài đã được cấp mã số vùng trồng, đợt này thị trường Australia nhập 6 tấn và Mỹ nhập 1 tấn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho biết, việc xuất khẩu lô xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và Mỹ bước đầu khẳng định vị thế trái xoài tượng của An Giang chinh phục thị trường khó tính. Đây là cơ hội lớn giúp nâng tầm hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, để tiếp tục đưa trái xoài sang nhiều nước khác.
Tương tự, Công ty TNHH XNK trái cây Mekong những ngày đầu năm 2024 cũng tất bật chuẩn bị đáp ứng các đơn hàng. Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc công ty cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp ở thị trường Mỹ, châu Âu, Australia khá ổn định. Từ tháng 8/2023 đến nay đã xuất khẩu được gần 40 container dừa sang thị trường Mỹ, sản phẩm bán khá tốt. Sản phẩm chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường nhập nên đơn hàng ổn định trong năm 2024. Hiện, mỗi tuần doanh nghiệp xuất trung bình 4-5 container dừa đi các thị trường.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Về giải pháp để xuất khẩu trái cây đạt 6,5-7 tỷ USD trong năm 2024, PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Năm 2013, chúng ta mới chỉ dám đề ra mục tiêu xuất khẩu rau quả vượt mốc 1 tỷ USD. Vậy mà đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6 tỷ USD rau quả sang hơn 60 quốc gia trên thế giới và thị trường rau quả xuất khẩu đang được tiếp tục mở rộng. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển sản xuất, xuất khẩu rau quả Việt Nam là rất lớn. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt mốc 10 tỷ USD/năm trong tương lai không xa.
Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, để xuất khẩu bền vững, trước hết cần có sản xuất bền vững. Vì vậy, các doanh nghiệp và người sản xuất cần liên kết chặt chẽ với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương, nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, xuất khẩu, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) của từng chủng loại trái cây chủ lực, có lợi thế và định hướng cụ thể cho từng thị trường xuất khẩu.
Năm 2023, Cục Hải quan Bắc Ninh, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phối hợp vận chuyển 56 tấn vải thiều bằng 3 toa tàu từ Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép sang Trung Quốc.
Các đối tác tham gia chuỗi giá trị cần đặc biệt quan tâm tìm hiểu và thực hiện tốt quy định của các nước nhập khẩu, đặc biệt là phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng và kiểm dịch thực vật. Nhà nước cần tiếp tục làm tốt công tác mở cửa và định hướng thị trường, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và nông dân, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và các vùng trồng, tránh gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng. Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ sử dụng thuốc sinh học và các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp để giảm thiểu sử dụng thuốc hóa học, công nghệ bảo quản, chế biến trái cây…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, khi xuất khẩu tăng nóng cũng là lúc cần nhắc lại câu chuyện diện tích vùng trồng tăng nhanh, tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại… Lúc này tính liên kết của ngành hàng cần tiếp tục được nhắc đến, cũng như cần được tính sớm, tính nhanh để tăng sự chủ động hơn giữa nông hộ và các đơn vị cung ứng, xuất khẩu nhằm phát triển bền vững cho toàn ngành.
Cùng với chuẩn hóa nguyên liệu vùng trồng thì việc đầu tư nhà máy quy mô, và sự thay đổi trong quy cách đóng gói là những tiêu chí quan trọng để từng bước khẳng định thương hiệu. Bà Ngô Tường Vy, Công ty cổ phần Tập đoàn xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, nếu nông dân hợp tác cùng với doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm cao cấp thì chúng ta sẽ không sợ bất cứ cường quốc nào như Thái Lan hay Malaysia. Vì chúng ta có những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng... Tất cả các giống được trồng tại Việt Nam, độ ngon đã được khẳng định.
Đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường sắt
Theo ông Nguyên, để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau quả, nhất là sang thị trường Trung Quốc, cần hoàn thiện khâu hạ tầng logistics. Ví dụ, năm 2025, cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa rau quả bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Trong khi đó, một số chủ doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam cho rằng, việc đa dạng hóa phương thức vận chuyển hàng hóa như: việc vận chuyển bằng tuyến đường sắt liên vận sang Trung Quốc là một yếu tố mà các doanh nghiệp rất cần. Điều này vừa giúp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận, vừa bảo đảm hàng hóa an toàn, hạn chế hư hỏng và đúng lịch trình vận chuyển.
Mặt khác, việc nông sản xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được đi thẳng qua biên giới. Nếu có thể kết nối toàn bộ các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bằng đường sắt để xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn, sẽ giảm tải và hiệu quả hơn đường bộ rất nhiều.
Theo giới chuyên gia, việc thúc đẩy vận chuyển nông sản xuất sang Trung Quốc bằng đường sắt là điều nên làm sớm. Bởi lẽ, chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường sắt thấp vì giá cước của hình thức giao nhận này ít bị tác động bởi sự lên xuống thất thường của giá cả thị trường.
Liên quan tới xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, nếu nông sản Việt Nam được khơi thông một cách liên tục với những giải pháp là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ, thì tiềm năng, lợi thế của ta về nông sản xuất sang Trung Quốc chắc chắn không dừng ở mức 20-30%.
Ngày 6/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ ngành tăng kết nối, hoàn thiện hệ thống logistics để tăng lưu thông hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc. Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung, thông qua thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại các cửa khẩu tỉnh Lào Cai với Trung Quốc. Việc này sẽ giúp tăng lưu lượng vận chuyển, giảm ùn ứ qua đường bộ như vừa qua.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đường chuyên dụng cho hàng nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh... cần được các bộ đàm phán, thống nhất với phía Trung Quốc trong quý I. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nêu tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về mở cửa thị trường, xuất khẩu nông sản, như đa dạng kênh phân phối qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics nông sản giữa các cặp cửa khẩu hai nước và sàn thương mại điện tử.
Thay đổi tư duy để bắt kịp thời đại
Nói về vấn đề nắm bắt cung cầu của thị trường hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta đã chuyển sang cơ chế thị trường, nên cần thay đổi tư duy để bắt kịp thời đại. Chúng ta mở cửa rồi, thị trường của chúng ta là cả thế giới và chúng ta cũng là một thị trường của thế giới, thành ra chúng ta không thể biết được, không có một số liệu nào chắc chắn thế giới mỗi năm tiêu thụ như thế nào, năm nay thế này, năm sau có thể khác.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng thêm, cùng một ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là sầu riêng, Thái Lan, Malaysia xuất khẩu trước chúng ta nhiều thập niên. Chúng ta xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thì hiện nay Trung Quốc cũng đã trồng được rồi. Chúng ta xuất khẩu xoài thì các quốc gia khác cũng đã xuất khẩu sang châu Âu.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, bây giờ quy hoạch ngành hàng không thể như xưa. Thay vào đó, bằng những thông tin về thị trường thông qua các doanh nghiệp - những người gần thị trường nhất, hàng năm người ta có thể thông qua các đối tác để xây dựng một khung nhất định, qua đó chúng ta hướng dẫn cho người dân sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Tư duy về việc xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vẫn cần xây dựng vùng nguyên liệu ở một chừng mực nào đó để ít nhất có thể đảm bảo cho tiêu dùng trong nước. Còn việc mở rộng sẽ phải tìm những con đường, thị trường, tín hiệu thị trường mà chúng ta kết nối thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương, hiệp định giữa ngành nông nghiệp, ngành công thương với các quốc gia khác để có thêm không gian tiêu dùng của thế giới, bên cạnh không gian tiêu thụ trong nước.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong một chuỗi ngành hàng, thường bắt đầu từ giống, tiếp đến là quy trình sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, phân phối, thị trường, người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, chuỗi ngành hàng đó dường như chưa được xuyên suốt mà đang bị cắt khúc.
Để chuyên nghiệp hóa ngành hàng hướng tới mục tiêu đề ra, các tỉnh, thành phố cần xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trong phương án quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan khác; gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm ttheo lợi thế của từng địa phương.
Qua đó, mỗi sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, địa phương cần xây dựng đề án để hỗ trợ, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ-xuất khẩu, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
Cùng với đó, nhà vườn phải liên kết lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã; qua đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện. Chỉ khi liên kết thì các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp mới có điều kiện tiếp cận vùng nguyên liệu đủ lớn, từ đó chuẩn hóa vùng nguyên liệu và bà con nông dân sẽ cùng tham gia vào tổ chức lại ngành hàng sản xuất của mình.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang nước này đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. So với năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%. Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi, từ 8% (năm 2022) lên 14% (năm 2023). Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân khiến Việt Nam vượt Chile là nhờ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến. Ngoài ra, năm qua, Trung Quốc cũng tăng nhập rau quả chế biến từ Việt Nam nên khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt. Ngoài có nguồn cung dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế hơn Thái Lan, Chile về chi phí, thời gian vận chuyển. Khí hậu Việt Nam cũng thuận lợi hơn so với các quốc gia trên. Để xuất khẩu ngày càng thuận lợi, ông Nguyên cho rằng, người sản xuất và doanh nghiệp thu mua cần liên kết chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với hàng chế biến, nâng cao mẫu mã và đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.