Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 7 năm 2017 | 8:19

Lay lắt như người Việt trên Biển Hồ

Tonlé Sap (Biển Hồ) là nơi sinh sống của rất đông người Việt tại Campuchia. Nghề nghiệp chính của họ đánh bắt cá trên hồ. Từ đời này qua đời khác, họ không thể dễ dàng lên bờ hay về nước bởi không có đất, không giấy tờ hợp pháp, điều này đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sinh ra không được khai sinh, không thể đến trường một cách đàng hoàng, đầy đủ. Nghèo đói, ô nhiễm, bệnh tật… là thực tế đáng buồn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn khó của đồng bào nơi xa xứ, không ai tránh khỏi phút nhói lòng xót xa, ngậm ngùi. Mặc dù, Chính phủ Campuchia đã có chủ trương di dời, dần dần xóa bỏ làng chài này, nhưng đến nay mới chỉ có 300 hộ lên bờ, vẫn còn 800 hộ kiên quyết bám trụ.

Báo KTNT chia sẻ tới bạn đọc một vài hình ảnh về cuộc sống thường ngày của người Việt nơi đây.

Trên là nhà hoặc cửa hàng, dưới là đám lục bình rập rờn. Không ai đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường bởi sự ô nhiễm bắt nguồn từ chính sinh hoạt thường ngày của người dân.

Mọi hoạt động đều diễn ra trên xuồng (ghe), sát những khu nhà nổi như thế này.

Trường học do quân đội Việt Nam trao tặng, nhằm giúp đỡ những trẻ em gốc Việt được đến trường, vừa để tiếp thu kiến thức, vừa gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc mình. Tại đây có hơn 300 học sinh người Việt được dạy học, nuôi ăn ở miễn phí.

Có 5 lớp học tương đương từ lớp 1 đến lớp 5, đường đến trường của chúng không phải “nước suối trong rì rào” hay “cọ xòe ô che nắng” mà chỉ đơn giản là vài bước chân dọc hành lang hẹp, trên nhà nổi bập bềnh…

Hoạt động của học sinh cũng thường xuyên bị ngắt quãng bởi sự ghé thăm của các nhà hảo tâm, khách du lịch. Trong ảnh: Trẻ em ở lớp học tình thương múa hát một điệu dân ca của Việt Nam.

Những người gốc Việt nghèo khổ luôn mong chờ sự thăm hỏi của khách du lịch. Không quá lời khi gọi họ là “những Việt kiều nghèo khó nhất”.

Nước sạch là thứ xa xỉ bởi mọi hoạt động đều diễn ra ngay trên mặt hồ. Nước để dọn rửa cũng là nước hồ, nước bẩn cũng được thải trực tiếp xuống hồ.

Một cửa hàng di dộng trên làng nổi, chỉ đứng ở hiên nhà cũng có thể mua được mọi vật dụng cần thiết.

Cuộc sống của họ lên xuống theo con nước, bấp bênh nơi đầu sóng

Gọi là nhà nhưng đơn giản chỉ là chiếc bè nổi được ghép bởi các tấm gỗ sơ sài, dập dềnh theo con nước.

Những chiếc tàu của khách du lịch rời làng nổi trong cuối chiều, bỏ lại đằng sau những ánh mắt ngơ ngác của trẻ nhỏ, sự mong mỏi và thẫn thờ của người dân….

Tố Loan (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top