Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 9 năm 2021 | 10:19

Lễ khai giảng đặc biệt

Sáng nay (5/9), thầy, trò tại 57/63 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Lễ khai giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trên sóng truyền hình hoặc trực tiếp tùy điều kiện từng địa phương.

khai-giang.jpg

Phụ huynh đưa hai em học sinh vào lớp 1 đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh sáng 5-9 - Ảnh: DOÃN HÒA

 

Đây là lễ khai giảng năm học vô cùng đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương phải gồng mình chống dịch Covid-19 nên cách thức tổ chức linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế ở từng địa phương.

Nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn tổ chức lễ khai giảng như các năm trước. Trong khi đó, một số tỉnh tuy không có nguy cơ cao chọn phương án tổ chức lễ khai giảng trực tiếp nhưng hạn chế số lượng học sinh tham dự.

Ngay trước thềm năm học mới, ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các bộ ngành, ủy ban nhân dân các địa phương cùng vào cuộc để có một năm học an toàn trước dịch bệnh, trong đó có việc cố gắng tiêm vaccine sớm nhất cho học sinh khi có điều kiện để giúp các em có thể trở lại trường sớm nhất.

Trước một năm học nhiều khó khăn, thách thức, trong Thư gửi ngành giáo dục nhân ngày khai trường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến".

 

khai_giang_nhm.jpg

 

Chủ tịch nước cũng khẳng định “hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta". “Quyết tâm cho năm học 2021-2022 và xa hơn của tất cả chúng ta, không riêng gì ngành Giáo dục, là không để một trẻ em nào, đặc biệt là các em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn, bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch và càng không để nền giáo dục Việt Nam, vì dịch bệnh mà không thể hoàn thành cam kết, trọng trách, sứ mệnh của mình trước Tổ quốc và Nhân dân".

Tỉnh Bắc Giang từng là điểm nóng dịch bệnh nhưng nay đã kiểm soát được, lễ khai giảng ở đây được tổ chức trực tiếp đối với các trường tiểu học, trung học, nhưng rút gọn chỉ có phần lễ, không tổ chức các hoạt động khác và hạn chế số lượng. Mỗi trường sẽ có không quá 100 học sinh và khách mời cũng hạn chế tham gia. Các trường ở tỉnh này phải xây dựng kế hoạch chi tiết đảm bảo giãn cách cần thiết để phòng dịch.

Hải Phòng tổ chức lễ khai giảng trực tiếp nhưng cũng chỉ có học sinh các lớp đầu cấp tham dự để đảm bảo giãn cách. Học sinh các lớp khác theo dõi lễ khai giảng trên sóng truyền hình hoặc trên nền tảng trực tuyến.

Nhiều tỉnh khác lựa chọn hình thức khai giảng phát trên sóng truyền hình và các nền tảng trực tuyến.

Năm học 2021-2022, Hà Nội có 2,1 triệu học sinh các cấp. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức chung tại trường THCS Trưng Vương với số người tham dự rất hạn chế và truyền hình trực tiếp sóng Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội và trên các nền tảng trực tuyến.

 

kg1.jpg

Một siêu phẩm nhí nhố và dễ thương nhân ngày khai trường của học sinh trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)- Ảnh: HSCC

 

Sau phần "tiếp sóng" lễ khai giảng chung, nhiều trường học đã chuẩn bị chương trình đón năm học mới theo cách riêng bằng hình thức trực tuyến, vừa đảm bảo quy định phòng dịch nhưng vẫn kết nối để khích lệ tinh thần giáo viên, học sinh.

Chính hoàn cảnh đặc biệt và nỗ lực của các nhà trường cho ngày đầu tiên năm học đã mang lại những cảm xúc khó quên cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Sáng nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa trên diện rộng, gây khó khăn cho công tác tổ chức khai giảng của các nhà trường. Hiện học đang từ các bản làng đội mưa xuống núi về các nhà trường để dự Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022.

 

lai-chau.jpg

Học sinh Lai Châu đội mưa đến trường khai giảng

 

Tại Trường THCS Giang Ma, xã Hồ Thầu, nơi có 350 em học sinh là con em đồng bào Mông, Dao. Đây là ngôi trường vùng khó của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Trước giờ khai giảng, học sinh từ khắp các sườn núi, ngả đường hồ hởi kéo về dự lễ khai giảng. Theo lịch chủ động của nhà trường đến 8h sáng nay sẽ tổ chức các phần lễ, nhưng hơn 7 giờ các em học sinh đã có mặt từ rất đông.

Em Ma Thị Linh, học sinh lớp 7A3 cho biết: Em rất vui khi được quay trở lại trường dự khai giảng năm học mới. Hôm nay bố mẹ đã gọi em dậy từ rất sớm để chuẩn bị xuống núi về trường. Em sẽ cùng các bạn cố gắng học tập thật tốt để hoàn thành chương trình năm học.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, năm học 2021 - 2022, trên địa bàn có 344 trường, với hơn 150.000 học sinh. Thống kê đến cuối giờ chiều 4/9, toàn tỉnh còn thiếu 37 giáo viên và 227 học sinh mắc kẹt tại các địa phương khác do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, trong đó có các ca F0 tại tỉnh lân cận như Sơn La, Lào Cai, Điện Biện nên thời gian lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 được ngành giao cho các đơn vị trường chủ động và chỉ thực hiện phần lễ. Quá trình khai giảng các nhà trường cũng thực hiện nghiêm các quy định 5k trong công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

“Bước vào năm học mới 2021-2022, tôi mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài" như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết trong Thư gửi ngành giáo dục nhân năm học mới.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top