Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 8 năm 2021 | 9:36

Lương thực toàn cầu trong cơn “bão giá”

Dịch Covid-19 khiến thế giới rơi vào khủng hoảng lương thực và bão giá do sự đứt gãy trong hệ thống sản xuất, phân phối lương thực, thực phẩm…

Tác động của dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu gia tăng nghiêm trọng và lan rộng, ảnh hưởng đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở hầu hết các quốc gia, với hậu quả nặng nề của nó dự kiến còn kéo dài đến năm 2022.

 

luong-thuc.jpg

Không có việc làm, không có thức ăn, dịch bệnh Covid-19 đang làm gia tăng nạn đói trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)

 

Dịch Covid-19 gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến hàng triệu người lao động trên thế giới giảm thu nhập do mất việc làm. Đại dịch đã buộc nhiều quốc gia phải "bế quan tỏa cảng", làm sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ phía các nhà hàng và người tiêu dùng, và nông dân chính là đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Những làn sóng virus không ngừng cùng với tác động của biến đổi khí  đã khiến hàng chục triệu người trên thế giới đứng trước bờ vực của nạn đói.

Tờ New York Times đưa tin, ngay cả khi hàng nghìn người chết và hàng triệu người mất việc làm khi đại dịch Covid-19 nhấn chìm Nam Phi hồi năm ngoái thì Thembakazi Stishi - một người mẹ đơn thân - vẫn có thể nuôi sống gia đình với sự hỗ trợ ổn định của cha cô, một thợ cơ khí tại nhà máy Mercedes.

Song, khi đợt Covid-19 khác ập đến vào đầu năm nay, cha của Stishi đã bị nhiễm bệnh và qua đời chỉ sau vài ngày. Cô ấy tìm việc, thậm chí đi từng nhà xin làm giúp việc nhưng không được. Lần đầu tiên cô và các con phải nhịn đói đi ngủ.

Stishi đã cố giải thích với các con rằng tình hình bây giờ đã khác, không có việc làm, không ai hỗ trợ. Cả gia đình cô hiện nay đang thiếu ăn hàng ngày. Và trường hợp sống trong cảnh đói nghèo như Stishi hiện không còn là chuyện hiếm tại nhiều quốc gia trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 đang hoành hành.

Ước tính, có khoảng 270 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực có thể đe dọa tính mạng trong năm nay - so với 150 triệu trước đại dịch, theo phân tích từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

WFP cho hay, số người đang trên bờ vực của nạn đói, giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng đói, đã tăng lên 41 triệu người hiện nay từ 34 triệu người vào năm ngoái. Tổ chức này vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: tác động kinh tế của Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của mất an ninh lương thực.

Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người là trụ cột trong gia đình - khiến các gia đình không thể mua thực phẩm.  Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực trong tháng 5/2021 cao hơn gần 40% so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.

Giá lương thực toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập niên, làm trầm trọng thêm những thách thức đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, khi họ vẫn đang phải "vật lộn" với những tác động từ đại dịch Covid-19.

FAO lo ngại rằng, giá cả tăng cao có thể làm gia tăng thêm những bất ổn xã hội ở các quốc gia vốn đang “sa lầy” vào tình trạng thiếu ổn định trong nước.

Việc giá lương thực tăng trên toàn cầu làm ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình trên thế giới. WFP cảnh báo giá thực phẩm cao có hai tác động: Làm tăng số lượng người cần hỗ trợ lương thực; và dẫn đến tăng chi phí mua hàng hóa cơ bản cần thiết cho các hoạt động viện trợ lương thực.

Các quốc gia có khả năng xảy ra lạm phát giá lương thực cao nhất là những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, những quốc gia mà các cú sốc khí hậu hoặc xung đột có thể làm gián đoạn sản xuất lương thực địa phương và những quốc gia chịu sự yếu kém về kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, đại dịch Covid-19 có thể đẩy 97 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào cuối năm 2021.

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top