Thời gian qua, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn xã Sơn Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã góp phần tạo động lực cho nhiều hộ nghèo có cơ hội phát triển du lịch.
Sau khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, người dân xã Sơn Trạch, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề, trong đó vốn là nỗi lo hàng đầu. Nắm rõ thực trạng trên, trong hơn 15 năm đồng hành cùng người nghèo, NHCSXH huyện Bố Trạch đã giúp hàng trăm hộ nghèo xã Sơn Trạch có nguồn vốn phù hợp để làm kinh tế.
Tính đến cuối năm 2017, toàn xã còn 258 hộ nghèo; 344 hộ cận nghèo và 89 hộ mới thoát nghèo. Hiện dư nợ tín dụng của NHCSXH tại xã Sơn Trạch đạt trên 45 tỷ đồng. Các ngành nghề được người dân ưu tiên đầu tư là đóng thuyền du lịch, nuôi cá lồng, mở nhà hàng, quán ăn, bán đồ lưu niệm, dịch vụ ảnh nhanh cho du khách...
Nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế của mỗi hộ trung bình từ 50 - 200 triệu đồng, trong đó, vốn của NHCSXH chiếm khoảng 30 - 60%. Thông qua sự ủy thác trực tiếp của các tổ chức Hội đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh, với 30 Tổ TK&VV được phân bố rộng khắp địa bàn, người dân trong xã đã tiếp cận dễ dàng, sâu sát với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.
Anh Nguyễn Văn Phú, một trong những hộ vay phát triển du lịch từ vốn của NHCSXH, cho biết: “Trước đây, gia đình cũng mua một chiếc thuyền để đánh bắt cá trên sông Son. Ngoài ra, để phụ giúp thêm kinh tế gia đình, tôi phải đi làm thuê, làm mướn, kinh tế gia đình rất bấp bênh và đời sống không ổn định.
Từ khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thế giới, ngoài chính sách ưu đãi của UBND tỉnh, UBND xã Sơn Trạch cùng với các tổ chức tín dụng tạo mọi điều kiện để người dân làm kinh tế ổn định và bền vững hơn. Bản thân tôi cũng vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH để đóng thuyền du lịch cộng với việc mở rộng nuôi cá lồng nên cuộc sống của gia đình khá lên rất nhiều và bắt đầu có tiền tích góp”.
Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Xanh mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi để mở một gian hàng bán đồ lưu niệm. Mỗi tháng, thu nhập của gia đình đạt từ 7 - 10 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, ông Xanh cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp của gia đình ít nên thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí sinh hoạt. Nhờ có cửa hàng lưu niệm, kinh tế gia đình ổn định hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, cho hay, trong năm qua, xã đón trên 300.000 lượt khách đến tham quan và du lịch, tăng gần 7% so với năm trước, trong đó khách quốc tế đạt trên 22.000 lượt, tăng 7,2%.
Toàn xã hiện có 16 dự án đăng ký đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, có 11 dự án đã được UBND tỉnh quyết định đầu tư. Với phương châm làm thế nào để khách du lịch “vào sâu, ở lâu và ra chậm”, giúp du lịch phát triển bền vững, ngoài đầu tư cơ sở, hạ tầng, các dịch vụ du lịch “ăn theo” cũng được xã quan tâm và đầu tư đúng mức.
Xã Sơn Trạch có gần 700 hộ dân thì có đến 312 hộ có dư nợ tại NHCSXH huyện Bố Trạch và có đến 90% hộ vay đầu tư phát triển kinh tế có liên quan đến du lịch. Đây được xem là một trong những nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng đối với công tác đầu tư phát triển du lịch.
Mỗi năm, xã Sơn Trạch có hàng chục hộ thoát nghèo và cận nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Việc hỗ trợ cho người dân vay vốn phát triển các mô hình du lịch của NHCSXH đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng bền vững, đồng thời giúp các hộ dân có thêm động lực gắn bó với nghề, phát triển nghề, cải thiện thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm trên địa bàn.