Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 10 năm 2021 | 16:26

Mở lại đường bay nội địa, Hà Nội có làm khó hành khách?

Ông Hạ Bá Tuấn, công tác tại Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc mở lại đường bay nội địa đến Sân bay quốc tế Nội Bài, nhưng Hà Nội lại bắt buộc hành khách phải đi cách ly 7 ngày. Việc làm này của Hà Nội có làm khó cho khách đi máy bay?

Theo ông Tuấn, Bộ Giao thông Vận tải mở lại đường bay nội địa đi và đến Sân bay Quốc tế Nội Bài không nhất thiết phải xin ý kiến của Hà Nội, khi công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian đã qua có những kết quả đáng khích lệ, chúng ta đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ người dân được tiêm phòng vắc xin phòng chống Covid-19 mũi 1 rất cao. Nếu không chấn chỉnh, vô hình dung sẽ tạo tiền lệ xấu cho công tác chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, ngành sau này cứ triển khai hay thực hiện công việc gì chung lại phải xin ý kiến của các địa phương.
1912377_10202083650691168_3807097366881261955_o.jpg
Ông Hạ Bá Tuấn (bên trái) thường xuyên hay phải đi công tác bằng máy bay

 

 
Hơn nữa, Sân bay Quốc tế Nội Bài không phải do Hà Nội quản lý, việc điều hành hoạt động do Cục hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải đảm nhiệm, Sân bay Nội Bài chỉ đặt trên địa giới hành chính của Hà Nội mà thôi. 
 
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Hạ Bá Tuấn cho biết, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là khi TP. Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại của nhân dân, doanh nhân và tất cả mọi người đều tăng cao.
 
Nhưng việc tổ chức và thực hiện lại các hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách đang có những bất hợp lý, do các địa phương mỗi nơi lại có một cách kiểm tra, quy định khác nhau, dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân.
 
Vì thế, tại buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho Phó thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.

Khi Chính phủ quyết định thí điểm mở lại các đường bay nội địa từ ngày 10 đến 20/10, Hà Nội cũng thống nhất tổ chức khai thác đường bay với TP.HCM và Đà Nẵng, tần suất một chuyến khứ hồi/ngày. Trong khi trước đó, khi Bộ GTVT xin ý kiến, địa phương này đã từ chối mở lại đường bay đến Nội Bài.

Tuy nhiên, đi kèm với quyết định mở lại đường bay, Hà Nội đặt ra yêu cầu với hành khách từ Sân bay Tân Sơn Nhất ra Sân bay Nội Bài phải cách ly 7 ngày tại khu tập trung hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố. Sau thời gian cách ly tập trung, hành khách tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Ông Hạ Bá Tuấn cho rằng, đây thực chất là loại "giấy phép con" của Hà Nội, quy định này chẳng khác gì lại làm khó cho hành khách đi máy bay. Với quy định như thế, chẳng khác gì không cho người ta đi. 

Theo ông Tuấn, quy định này của Hà Nội là rất bất hợp lý, bởi lẽ, hành khách khi đi máy bay đã phải đảm bảo đủ điều kiện tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính, khai báo y tế đầy đủ và thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch. Như vậy, chúng ta chỉ cho phép những người đủ điều kiện, an toàn, không bị nhiễm Covid-19 đi máy bay. Vậy tại sao lại phải bắt buộc hành khách phải cách ly tập trung?

323a343f787d9123c86c.jpg
Hành khách đi máy bay đến Hà Nội phải cách ly 7 ngày.

Thời gian qua, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, không chỉ Hà Nội  có những cách làm tốt, mà rất nhiều địa phương của thành phố làm rất tốt công việc này. Điển hình như ở huyện Đông Anh đã có cách phòng chống dịch bệnh theo "3 lớp" được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi. 

Nhưng bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đã ban hành những quyết sách làm ảnh hưởng đến nhân dân, doanh nghiệp về việc cấp giấy đi đường, nhưng rất may là lãnh đạo thành phố đã rút kinh nghiệm và có những chỉ đạo kịp thời.

"Tôi hy vọng, với những ý kiến của cá nhân, lãnh đạo thành phố, đặc biệt là bộ phận tham mưu, lắng nghe và có những quyết sách phù hợp với tình hình Thủ đô, phù hợp với mọi người dân, để phát triển kinh tế sau một thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội", ông Tuấn nói.

 

 

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top