Mỗi ngành, nghề đều có đặc thù riêng, có vinh quang và có nhọc nhằn vất vả, với “nghề đặc biệt” như nghề báo, điều này càng thể hiện rõ nét hơn. Với tôi, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mới, cho dù không phải chuyến đi nào cũng mang lại cho tôi điều tốt đẹp, nhưng tôi trân trọng cả những khó khăn, vất vả, chính những điều đó đã giúp tôi trưởng thành, “cứng cáp” hơn. Chuyến đi Mường Nhé (Điện Biên) là một trong những chuyến đi như thế.
Chuyến công tác tại Điện Biên là một kỷ niệm, trải nghiệm nhiều cảm xúc.
Là tỉnh miền núi nên khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Điện Biên gặp không ít khó khăn. Để kịp thời nắm bắt những khó khăn, phản ánh cách làm hay tại đây, cuối tháng 10/2013, tôi đã có chuyến công tác dài ngày về địa phương để tìm hiểu viết bài. Trong đó, đáng nhớ nhất là lần đi vào huyện Mường Nhé.
Quãng đường từ TP. Điện Biên Phủ vào Mường Nhé dài gần 200km, đường sá đi lại rất khó khăn, 6 giờ sáng tôi đã dậy chuẩn bị cho hành trang của mình. 50km đầu tiên vào huyện Mường Chà rất đơn giản, khiến tôi chủ quan, thậm chí còn cho rằng cảnh báo của mấy đồng chí ở UBND tỉnh về đường đi khó và khổ là hơi thừa, thế nhưng quãng đường 150km tiếp theo thực sự là thử thách mà tôi không bao giờ quên. Con đường đầy đá gồ ghề lởm chởm, không có lan can đường, một bên là núi, một bên là vực thẳm. Đường đi mỗi lúc một khó, càng tới gần Trung tâm huyện, đường càng khó đi hơn, những hòn đá to bằng bát tô án ngữ ngay giữa đường. Nếu không chắc tay lái, có thể trượt xe xuống vực bất cứ lúc nào.
Gần 12 giờ trưa, vượt qua chặng đường gần 200km gian nan, cuối cùng tôi đã đến được trung tâm huyện. Để “lấp” vào bụng đang đói và kịp đầu giờ chiều làm việc tôi đã vào quán ăn gần bệnh viện huyện nạp năng lượng để lấy sức tiếp tục chiến đấu.
Sau khi làm việc xong, 14 giờ chiều ngày hôm sau tôi bắt đầu quay trở về thành phố Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, khi rời UBND huyện Mường Nhé được 2km thì xe bị hỏng và phải sau 2 giờ đồng hồ mới sửa song. Mùa đông nên dù mới 16 giờ trời đã nhá nhem tối, không ngần ngại, tôi vẫn quyết tâm đi ra bên ngoài thành phố để hôm sau làm việc khác.
Đến 18 giờ thì trời tối hẳn, khác với tâm trạng ngày hôm trước vào huyện, hôm nay trong tôi hiện lên một nỗi sợ vô hình. Sợ vì trời tối, sợ vì đi một mình, sợ vì tiếng ếch nhái kêu râm ran, sợ vì cách nhau cả chục kilômét mới có lác đác một vài nhà dân… Đã nhiều lần tôi định vào nhà dân xin ở nhờ sáng mai đi tiếp nhưng với tâm lý đi được đến đâu hay tới đó, và vì bài viết đang chờ lên trang cho số báo tới, tôi lại tự tin kéo ga. Cứ như vậy, đến 21 giờ đêm tôi đã băng qua gần 150 km ra được đến huyện Mường Chà và quyết định nghỉ lại, sáng mai đi tiếp. Lúc này, cả người tôi nhem nhuốc, bẩn thỉu, kiểm tra vali mới biết máy ảnh và cục sạc máy tính rơi lúc nào không hay. Lúc này cả thị trấn Mường Chà đã chìm trong giấc ngủ, chẳng còn quán ăn nào mở cửa, cuối cùng tôi phải nhờ bà chủ nhà nghỉ úp cho gói mì tôm ăn tạm rồi ngủ một mạch tới sáng hôm sau vì mệt.
Sau lần ấy, tôi có loạt bài phản ánh thực tế xây dựng nông thôn mới ở Mường Nhé, được Ban biên tập và đồng nghiệp đánh giá cao. Cũng chính nhờ những trải nghiệm vô cùng thú vị đó, mà sau này đi công tác miền núi, không còn là vấn đề đối với tôi. Nhất là càng đi, càng thấy rõ hơn khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, tôi càng thấy xấu hổ vì những nỗi sợ hãi vô hình và bản năng trước đây.
Sẽ còn nhiều chuyến đi khác, và cũng có thể tôi sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi khác, nhưng giờ tôi tin là mình đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để vượt qua tất cả, vững niềm tin, vững cây bút trong hành trình làm giàu cùng bà con.
Hoàng Văn
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.