Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 16:2

Một ngày ở Nông trại Happy

Tọa lạc dưới chân một khoảnh rừng xanh mướt, Nông trại Happy tái hiện văn hóa làng quê với những nếp nhà tranh vách đất, những nông cụ, nhạc cụ, trang phục, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc... trong khung cảnh vườn đầy cây trái, ao cá,..

Dưới bầu trời trong vắt, chỉ có tiếng trẻ cười đùa, tiếng chim ríu ran hòa quyện cùng hương bưởi, hương nhãn, mít... Nông trại Happy như một giai điệu vui vút lên trong khung cảnh thiên nhiên mộc mạc, đầy xao xuyến với những ký ức về tuổi thơ hiếu động, ham tìm tòi, khám phá.

Nông trại giàu văn hóa

Đến Nông trại Happy ở thôn Dốc Đỏ, xã Cam Đường (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) trong một ngày đầy nắng, thứ duy nhất khiến tôi có cảm giác ranh giới là chiếc cổng sắt rộng. Bên trong là cả một rừng cây. Dưới những tán cây rừng là khu nhà mái cọ trông ra mảnh sân rực một màu hồng đỏ của hoa mười giờ. Xa hơn là vạt sim tím, đào cổ, hoa hồng, hoa lan... Đi dạo quanh, say sưa nghe tiếng chim lảnh lót phía khu rừng, vùng này có lẽ nhiều họa mi, chim khướu, đôi lúc có âm thanh líu lo của vành khuyên... Khu ở của đàn ong cũng ở dưới tán rừng nhưng nguồn thức ăn lại là vườn cây trái đủ loại, đặc biệt là nhãn. Mùa này đang là mùa vụ của nhãn, mít, xoài... quả sai lúc lỉu.

 

z3615973980323_ba9edaca5fdf59c3a441b347d4c62424.jpg
Nông trại nhìn từ trên cao.

 

Chỉ tay về phía rặng tre xanh rì cao vút, ông Phạm Thanh Khánh, chủ Nông trại Happy cho biết: Đó là “tường bao” của nông trại rộng gần 2ha, còn lại là 4ha rừng.

Vốn là viên chức nhà nước nhưng vì quá đam mê làm khu sinh thái, ông Khánh bỏ ngang về thực hiện ước mơ của mình. Sau gần 2 năm đầu tư vốn liếng, công sức, tâm huyết, cải tạo một khu rừng tạp rậm rì, Nông trại Happy trở thành khu vui chơi, trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên. Ông Khánh bảo, Nông trại được xây dựng theo không gian thiên nhiên nhất, “xanh nhất” nên tôi giữ lại hồn cốt của rừng là những cây lâu năm, cây ăn quả, đào ao thả cá, trồng sen, súng. Ngay cả vật liệu dựng nhà cũng thân thiện với môi trường, chủ yếu là khung gỗ, vách đất, mái cọ, đồng thời cũng là ý tưởng xây dựng một không gian văn hóa truyền thống, mô phỏng kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc như: nhà mái gianh của người kinh, nhà sàn người Mông, Dao, Tày, nhà trình tường của người Hà Nhì... Đồ dùng trong nhà cũng theo đó mà bố trí theo đúng nếp sinh hoạt văn hóa đặc trưng của họ. Đây cũng là nơi khách đến trải nghiệm có thể nghỉ ngơi.

 

z3615974004565_2dd5fbeca1ea4087c7ab03a7e1aaec84.jpg
Bản Đồ Việt Nam độc đáo kết từ 350.000 viên đá cuội.

 

Kỳ công nhất là việc xây dựng bản đồ Việt Nam giữa hồ sen, gắn kết bằng 350.000 viên đá cuội, vừa là điểm check in, vừa là hình ảnh trực quan góp phần tích cực vào việc giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước và có ý thức rõ hơn về chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Điều lạ là, giữa mùa hè, đường bê tông rát bỏng mà ngồi trong ngôi nhà mái gianh, vách đất ở Nông trại Happy, vẫn thấy mát rượi, thưởng thức bữa cơm với món ăn truyền thống, canh cua, cà muối, gà luộc, tôm rang hay thịt luộc, canh măng, chim quay, cá kho... vô cùng ngon miệng bởi món dân dã mùa nào thức nấy.

Trở về tuổi thơ

Cảm giác khiến tôi thích thú nhất là vừa nhâm nhi tách cà phê đá, vừa dõi theo  những cô cậu thiếu niên lựa chọn váy áo truyền thống đi tạo kiểu tạo dáng chụp ảnh. Đứa thích chụp bên vạt sim hoa tím, thả dáng vớt bông súng, hoa lan, hoa hồng. Đứa thích chụp với khu bếp, với chiếc chạn  cổ từ thời ông, bà, treo đầy rau cỏ, dây tỏi trắng, ớt đỏ dài, tạo dáng ngịch ngợm... vô cùng vui nhộn. Ở Nông trại Happy, bọn trẻ say sưa kéo nhau đi bắt cá, đi hái quả, ngụp lặn ở khu bể bơi...

 

z3615974287274_18e46af08d042b4628f744901f17abb3.jpg
Các em thích thú đi bắt cá.

 

Nhìn các em dùng nơm bắt cá, bỏ vào giỏ tre, tôi nhớ lại ký ức về những mùa gặt, về những ngày người dân quê tôi bắt cá bằng dậm, vó. Nghỉ hè, bọn trẻ thường rủ nhau ra đồng mò cua, bắt ốc, đơm cá... đầm đìa mồ hôi, lấm lem bùn đất nhưng cuối ngày bên bát canh cua mát lành, đĩa tép rang mặn, con cá diếc rán vàng... quây quần bên mâm cơm với ông bà, cha mẹ, thấy rất vui và có ích. Tuổi thơ đầu trần, chân đất đi khám phá hái lượm ở các khu vườn cũng là những kỷ niệm khó quên...

 

z3615974315548_5b08ac870a0ff738ca013f5db7458138.jpg
Check in ở khu nhà truyền thống.

 

Cho dù là nhóm lớp hay gia đình, Nông trại Happy đều có không gian riêng biệt khiến người ta cảm thấy thoải mái, thư thái hoặc thỏa thích để các trải nghiệm cuốn đi. Cả những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê hay những đứa trẻ thành phố đều hào hứng tham gia. Bằng cách tự trải nghiệm, mặc trang phục và dùng dụng cụ lao động của các dân tộc, bọn trẻ biết thêm sự khác biệt trong văn hóa, sinh hoạt của các dân tộc anh, em. Việc được hoà mình vào một khung cảnh thiên nhiên có nhiều cây xanh, hoa, trái và rộn tiếng chim, giúp cho nhiều em có ý thức hơn trong việc bảo tồn và tôn tạo môi trường sinh thái.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top