Hiện nay, đang là thời gian giao mùa cuối xuân, đầu hạ, hơn nữa cũng là thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang tồn tại, do đó lựa chọn thực phẩm vừa đảm bảo chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng, vừa giải nhiệt cho cơ thể.
Mùa hè thường có nhiệt độ cao, không khí ngột ngạt, khó chịu làm cho cơ thể rất cần nước để bù đắp sự thiếu hụt do mồ hôi thoát ra bên ngoài, dẫn đến việc sức khỏe của người già và trẻ em rất mệt mỏi, chán ăn. Do đó, rất cần phải được bổ sung thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng hợp lý.
Do đó, thực phẩm dùng cho mùa hè rất cần rau, hoa quả tươi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khi mua thực phẩm cần chọn mua thực phẩm tươi, sạch bởi mùa nóng thực phẩm rất dễ ôi thiu, biến chất do nhiễm khuẩn và nhiệt độ môi trường cao. Các loại thực phẩm như thịt, tôm, cá… khi mua về nên rửa sạch, đựng từng loại bằng túi ni lông hoặc hộp riêng rồi để vào tủ lạnh, rau quả để vào ngăn mát của tủ lạnh.
Trước khi nấu rau xanh cần rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, ngâm kỹ rồi mới thái nhỏ để không mất nhiều vitamin.
Chế độ ăn uống
Mùa nóng ra nhiều mồ hôi, mọi người mệt mỏi, chán ăn vì vậy thật là khó cho các bà mẹ phải nghĩ cách nấu món ăn thế nào cho đủ dinh dưỡng, đủ các chất là chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng… Muốn vậy các bà mẹ nên sử dụng nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi các món ăn để trẻ và mọi người trong gia đình ngon miệng, dễ ăn và đủ dinh dưỡng.
Vào thời tiết này, về nguyên tắc các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn đủ chất, nhưng hạn chế chất béo (vì cung cấp nhiều năng lượng không cần thiết và dễ gây béo phì), tăng cường hoa quả và uống nhiều nước.
Trong những ngày nắng nóng, cần ăn đủ các dưỡng chất và cân bằng, bảo đảm tính đa dạng của thực phẩm. Muốn vậy cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhưng để phù hợp với nhu cầu đặc biệt của mùa nắng nóng, cần điều chỉnh các thành phần đó trong khẩu phần hằng ngày như sau:
Glucid: Gạo, bún, bánh đa, bánh mì: Tùy mức vận động tiêu hao năng lượng của cơ thể mà có định lượng ăn thích hợp. Tuy nhiên, mùa hè không cần ăn quá nhiều, trung bình 1 chén cơm/bữa với những người không muốn tăng cân.
Protein: Nhóm thịt, cá, gà, trứng, đậu (cả đậu hạt và đậu quả): Thay đổi trong hai bữa ăn chính. Bạn nhớ rằng chất đạm vẫn rất cần để duy trì cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn và có khả năng miễn dịch tốt.
Đối với người trưởng thành đang muốn giảm hoặc giữ cân thì việc ăn phối hợp các loại protein nghèo (chất lượng thấp) như trong ngũ cốc, các loại rau củ có thể hỗ trợ cho nhau vừa giúp không tăng cân, giúp làm đầy dạ dày không bị cảm giác đói, đồng thời cung cấp nhiều vitamin, vi khoáng. Đây chính là lợi điểm của chế độ ăn đa dạng hóa thực phẩm.
Lipid: Nhu cầu chất béo còn phụ thuộc vào tuổi, tính chất lao động, đặc biệt dân tộc, khí hậu. Người ta thấy nhu cầu lipid có thể tính tương đương với lượng protein ăn vào. Ở người trẻ và trung niên tỷ lệ đó có thể là 1:1 nghĩa là lượng đạm và lipid ngang nhau trong khẩu phần. Ở người đã lớn tuổi tỷ lệ lipid nên giảm bớt và tỷ lệ lipid với protein là 0,7:1, ở người già lượng lipid chỉ nên bằng 1/2 lượng protein.
Vitamin và các chất khoáng, (nhóm rau củ và trái cây): Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt vào mùa hè nhu cầu về rau xanh trong các gia đình lại càng được tăng cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau xanh là nguồn thực phẩm quí giá, ngoài việc cung cấp các chất xơ, vitamin C - B1- B2, bêta caroten (tiền vitamin A), canxi, sắt, axit citric, axit malic, nó còn cung cấp chất pectin – “chất nhờn”. Đây là một loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng phòng, chữa bệnh như: kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong ruột, có tác dụng tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn, giúp giảm cân ở người béo phì vì giảm hấp thu lipid. Đồng thời, làm giảm cholesterol toàn phần trong máu.
Các món rau được ưa chuộng trong mùa hè thường là rau muống luộc, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi nấu canh cua, canh bầu nấu với tôm, cà tím nấu bung… Rau sống, rau tươi cũng là thực đơn được nhiều gia đình lựa chọn. Vì ăn rau sống sẽ tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn và cũng là cách để cơ thể có thể hấp thu được nhiều vitamin trong rau nhất. Tuy nhiên việc ăn rau chưa qua chế biến cũng dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, bởi vậy các gia đình khi mua rau về cần ngâm kỹ trong nước khoảng 30 phút rồi rửa thật sạch trước khi ăn.
Bên cạnh rau xanh thì sử dụng nhiều hoa quả cũng là cách lý tưởng giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết. Trong mùa này, những loại hoa quả nên ăn là các loại hoa quả giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, dưa hấu…. Các loại quả nên hạn chế là một số trái cây có hàm lượng đường cao, có tính nóng, không nên ăn nhiều như mít, xoài, vải, nhãn.
Khi có nhu cầu giải khát, một cốc sinh tố hay nước ép trái cây có nguồn gốc từ rau quả không những sẽ giúp cho cơ thể được giải nhiệt mà còn mang lại giá trị bổ dưỡng cao.
Cần bù đủ lượng nước cho cơ thể
Ngày hè, đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể nhanh bị “bốc hơi” qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước tinh khiết nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ có cảm giác mệt mỏi, choáng, thậm chí bị nhức đầu, khó thở…
Tình trạng cơ thể mất nước ngày nóng nắng là khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và người già. Để chống mất nước cho cơ thể, nhất thiết phải bổ sung thêm nước cho cơ thể. Tuy nhiên, trong ngày hè không phải cứ uống càng nhiều nước là càng tốt. Bởi uống nước quá nhiều sẽ gây quá tải cho thận, kèm theo là các dưỡng chất và các nguyên tố vi lượng cũng theo hệ bài tiết ra ngoài.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhu cầu về nước trong những ngày hè nóng bức rất lớn, vì vậy cần phải bổ sung nước kịp thời để bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi căng thẳng không đáng có. Mỗi ngày nhu cầu nước cho mỗi người khoảng 8-10 ly nước (bao gồm cả các loại nước khác). Bình thường nhu cầu nước khoảng 1,0 lít/ngày thì ngày hè nhu cầu nước có thể tăng thêm, khoảng 1,5 đến gần 2,0 lít/ngày.
Lưu ý khi uống nước cần uống chậm rãi, từ từ từng ngụm một. Uống chậm có tác dụng “đánh thức” bộ máy tiêu hoá chuẩn bị làm việc và tránh khả năng bị chướng bụng, đầy hơi. Đồng thời khi uống nước cũng cần hạn chế sử dụng nhiều đá hoặc nước uống quá lạnh. Vì nước quá lạnh hay nước đá sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất, mặt khác dễ gây viêm họng, tạo cảm giác giải khát “giả”.
Ngoài ăn trực tiếp, dùng các loại hoa quả này ép lấy nước uống hoặc làm sinh tố cũng rất tốt. Hạn chế ăn các loại hoa quả có chứa nhiều đường như mít, vải, nhãn, xoài…
Nên thêm chút muối hơi mặn vào nước uống (từ 0,5 - 1g muối ăn/lít nước giải khát). Một người bình thường uống 1,5 lít nước/ngày nhưng vào mùa nóng phải uống gấp hai, ba lần.
Có thể tự chế biến một số loại nước giải khát, nước mát. Ngoài tác dụng giải khát, nước mát còn giúp đưa vào cơ thể một lượng nước có thể giải nhiệt làm bớt nóng nảy, bứt rứt khi nhiệt độ cơ thể lên cao.
Nên hạn chế dùng các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, các món ăn dạng chiên, xào và các món chứa nhiều gia vị có tính cay nóng. Không ăn nhiều các món lên men: cà pháo muối, kim chi, dưa món.
Nên ăn nhiều thức ăn mát, như: các loại rau củ quả giàu kali (rau má, cà chua, mồng tơi, rau đay, diếp cá, xà lách xoong…). Trung bình mỗi ngày một người nên ăn ít nhất 200g trái cây và 300g rau xanh.
Các loại canh chua có nhiều nước, được chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như: canh cua, hến, thịt nạc nấu chua… rất thích hợp cho mùa hè. Ngoài ra còn có rất nhiều các món canh bổ dưỡng, có tác dụng mát phổi như: đậu phụ nấu cùng thịt nạc hoặc tôm khô xay nhuyễn… Khí hậu nóng, thức ăn mau bị ôi thiu, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh để tránh những bệnh lây qua đường tiêu hóa.
Buổi tối trước khi ngủ, tránh ăn nhiều thực phẩm thịt, rau vì chúng làm khó ngủ. Uống nhiều nước sẽ làm bàng quang bị căng đầy, phải thường xuyên thức giấc đi tiểu. Tránh uống cà phê và thức uống có gas hoặc hút thuốc lá. Có thể uống trà tim sen để giúp làm mát cơ thể, dễ ngủ.
Tự làm một số đồ ăn, thức uống trị nóng
Nước ép bí đao: bí đao 500g, gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch, thái miếng, ép lấy nước, cho thêm chút muối, uống 2 - 3 lần trong ngày, có tác dụng chống cảm nắng mụn nhọt, rôm sảy.
Nước atisô: mua atisô thành phẩm hoặc tươi về nấu lấy nước uống như trà. Bông atisô nấu chín có tác dụng bổ gan, lọc máu, bổ tim, chống độc, lợi tiểu.
Nước vối: lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nước vối giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát.
Nước mía: dân gian thường dùng dưới dạng ăn sống, ép hoặc sắc lấy nước uống. Nước mía phòng các chứng bệnh viêm nhiệt, miệng khô họng khát, sốt cao mất nước...
Thịt bò nấu rau cải: thịt bò 200g; rau cải 400g; thịt bò thái mỏng; rau cải cắt khúc; gừng gọt vỏ, cắt thành miếng, đâm nhuyễn rồi ướp với thịt bò. Cho những thứ trên vào nồi, thêm hai lít nước, tí muối vừa đủ. Nấu với lửa mạnh trong khoảng một giờ, lấy nước dùng lúc còn ấm. Công dụng giải cảm mạo phong hàn, trị đau đầu, đau nhức xương khớp...
Cháo bạc hà: bạc hà tươi 1kg; gạo tẻ 150g. Bạc hà rửa sạch, chặt khúc. Gạo tẻ vo sạch. Cho bạc hà vào nồi cùng một lít nước, nấu sôi trong một giờ, lọc lấy nước, bỏ bã, cho nước lại vào nồi, đổ gạo tẻ vào nấu đến chín như cháo lỏng. Món này trị chứng da nóng ra nhiều mồ hôi, đau đầu, bụng trướng...
Đậu xanh nấu bạc hà, kim ngân hoa: đậu xanh 30g; bạc hà tươi 10g, kim ngân hoa 100g, lá tre 10g. Cho bạc hà, kim ngân hoa, lá tre vào nồi cùng hai lít nước, nấu độ một giờ, lọc lấy nước, bỏ xác. Cho đậu xanh cùng nước trên và một ít gạo vào nồi nấu chín, rồi cho vào lượng đường cát vừa đủ để dùng. Món này trị chứng toàn thân đau mỏi, khát nước...