Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2016 | 2:43

Năm nhiều thành công của tín dụng chính sách xã hội

Năm 2015, hòa chung niềm vui của đất nước mừng 85 năm ngày thành lập Đảng, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng..., toàn hệ thống NHCSXH đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, đạt được những kết quả toàn diện trên mọi mặt hoạt động.

Trong năm 2015 đã có trên 2,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH.

Hoàn thành gần 100% kế hoạch Chính phủ giao

Năm 2015, mặc dù hoạt động trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp, tập thể cán bộ, viên chức NHCSXH đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngay từ đầu năm 2015, NHCSXH tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, ngay trong ngày làm việc đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và làm việc với NHCSXH. Thủ tướng đã biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng và những kết quả đạt được của NHCSXH trong thời gian qua. Điều này đã góp phần vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong cả nước, tăng lòng tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Chính phủ.

Biến thông điệp thành hiện thực, ngày 22/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm 2015 của NHCSXH lên 10%, tăng thêm 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 147.131 tỷ đồng, tăng 10.381 tỷ đồng so với năm 2014. Với nguồn vốn huy động tăng trong năm 2015 và nguồn dự trữ cuối năm 2014 chuyển sang, NHCSXH đã “cho bản làng vay đủ” và kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn của các chương trình tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tính đến hết năm 2015 đạt 142.528 tỷ đồng, tăng 13.072 tỷ đồng (+10,1%) so với thực hiện năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó, dư nợ theo chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tăng 11.530 tỷ đồng, hoàn thành 99,4% kế hoạch. Trong đó, dư nợ tập trung cao ở các chương trình: hộ nghèo 25,5%; hộ cận nghèo 19,3%; HSSV 17,2%; NS&VSMTNT 14,1%...

Trong năm 2015 đã có trên 2,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 173.000 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, trên 2.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 103.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn (lần đầu) học tập trong năm; xây dựng trên 1.349 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, trên 5.300 căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung và gần 2.500 căn nhà vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long…

Khởi sắc “ba Tây”

Nhiệm vụ hàng đầu năm 2015 của NHCSXH là thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó tập trung cho các khu vực “ba Tây” còn nhiều khó khăn, đó là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; tập trung các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng khó khăn...

Vùng Tây Nam Bộ là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, từ năm 2011 về trước, đây là “vùng trũng” hoạt động tín dụng chính sách, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ cao, đa số các tỉnh hoạt động yếu kém kéo dài. Trước tình trạng đáng “báo động”, đầu năm 2012, NHCSXH đã triển khai đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại vùng Tây Nam Bộ.

Sau 3 năm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tín dụng chính sách, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã có những bước tiến vượt bậc. Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ đạt 22.384 tỷ đồng, tăng 5.462 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng đề án; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 10,76%, trong khi tốc độ tăng chung toàn quốc là 7,76%. Nợ quá hạn giảm xuống còn 0,71%, giảm 3,4% so với thời điểm thực hiện đề án. Vốn tín dụng chính sách đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các ấp, kể cả vùng sâu, vùng xa, với hơn 1,5 triệu hộ còn dư nợ; góp phần giúp trên 535.000 hộ thoát nghèo, 472.000 hộ có việc làm; trên 382.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá: “Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện đề án và triển khai Chỉ thị 40/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng thêm một lần nữa khẳng định vai trò, ý nghĩa thiết thực của NHCSXH trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo”.

Theo quy định của Bộ Chính trị, vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và các huyện miền núi thuộc các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Phước. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng của nước ta, có biên giới chung với Lào, Campuchia và là nơi sinh sống lâu đời của 18 dân tộc anh em. Tính đến 31/10/2015, toàn vùng đạt tổng dư nợ 16.278 tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn hệ thống; với gần 700.000 hộ còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 8,96%/năm. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,4%/tổng dư nợ.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, sự hỗ trợ vốn của Nhà nước và hoạt động tín dụng của NHCSXH trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu ­giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và XDNTM. Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tạo điều kiện cho các hộ DTTS vùng nông thôn xây dựng hơn 130.000 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà vệ sinh và hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn 2011 - 2015 giảm từ gần 19% năm 2011 xuống còn hơn 11% cuối năm 2014.

Tây Bắc ngày nay tuy còn nhiều khó khăn, nhưng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên về đầu tư, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Là ngân hàng chủ lực trong cho vay giảm nghèo, từ năm 2009 đến nay, NHCSXH đã cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc với doanh số cho vay 50.658 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 31.905 tỷ đồng. Đến 31/11/2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng vùng Tây Bắc đạt 29.286 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu hộ còn dư nợ; trong đó hộ vay vốn là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 68%.

Nhiều chính sách ưu đãi ra đời

2015 cũng là năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát triển, mở rộng về đối tượng. Cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo ra đời vào ngày 21/7/2015 đã góp phần khép kín quy trình hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo để giúp họ thoát nghèo bền vững. Đồng thời, khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ trong công tác giảm nghèo bền vững. Chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền và người dân phấn khởi đón nhận, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước, giúp các hộ mới thoát nghèo có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo. Có hiệu lực từ ngày 05/9/2015, đến nay, sau hơn 4 tháng tích cực triển khai, đã có trên 107.000 hộ mới thoát nghèo được vay 3.504 tỷ đồng.

Để người nghèo “an cư, lạc nghiệp” Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở (theo Quyết định 167 giai đoạn 2), với mức vay tối đa 25 triệu đồng/hộ, mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho 31.000 hộ nghèo khu vực nông thôn, đảm bảo nhà ở an toàn, ổn định.

Bên cạnh đó, ngày 1/6/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 750 về việc điều chỉnh giảm lãi suất đối với một số chương trình tín dụng chính sách. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và cho vay đối với HSSV giảm từ 0,6%/tháng xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); lãi suất cho vay NS&VSMTNT, hộ gia đình SXKD vùng khó khăn giảm từ 0,8%/tháng xuống còn 0,75%/tháng (9,0%/năm) góp thêm động lực giảm nghèo bền vững.

Kết thúc năm 2015 với những thành công vượt bậc, NHCSXH bước vào năm mới với quyết tâm phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tập trung khai thác nguồn lực để 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và quyết tâm phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, năm 2016 hứa hẹn là năm NHCSXH tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Minh Thùy

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top