Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm dịch vụ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là mục tiêu lâu dài được NHCSXH xác định, đồng thời cũng là chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Ủy viên HĐQT - Tổng giám đốc trong chuyến thị sát tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa qua.
Đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Hoà Nhơn, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (người đứng) đã động viên, thăm hỏi các cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoà Vang và bà con vay vốn trong xã.
Cải cách thủ tục, thúc đẩy cho vay
Nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách hiểu rõ chính sách tín dụng ưu đãi, đồng thời tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khi giao dịch với ngân hàng, thời gian qua, NHCSXH TP.Đà Nẵng đã thực hiện đơn giản hóa 100% thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của đơn vị.
Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động giao dịch tại 56/56 điểm giao dịch xã vào ngày cố định hàng tháng tại xã/phường/thị trấn, tạo nên hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện, tiết kiệm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân. Tại mỗi điểm giao dịch, NHCSXH đều công khai danh sách hộ vay vốn và công khai chính sách mới, thông báo các chính sách tín dụng ưu đãi, nội quy giao dịch, hòm thư góp ý; qua đó phát huy tính dân chủ ở cơ sở; việc quản lý, giám sát của các ngành, các cấp và người dân ngày càng hiệu quả.
Qua thực tiễn hoạt động tại xã Hòa Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo Ngô Văn Đạt chia sẻ thêm: Hàng tháng, tại các phiên giao dịch xã, NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban, trao đổi, lắng nghe, tiếp thu tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân về tín dụng chính sách để giải quyết những vướng mắc; kịp thời phân loại và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý các vụ việc theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Là một trong những hộ gia đình được vay vốn từ NHCSXH huyện Hòa Vang để đầu tư phát triển sản xuất, bà Nguyễn Thị Danh ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn đã đến điểm giao dịch từ rất sớm để thực hiện giao dịch với ngân hàng. Bà Danh cho biết: “Trong quá trình vay vốn, tôi được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn tận tình các thủ tục. Bên cạnh đó, NHCSXH còn niêm yết công khai bộ thủ tục vay vốn tại xã. Nhờ vậy, khi cần vay vốn, tôi ra xã xem thêm các quy định để về thực hiện cho đúng. Không những thế, hàng tháng, tôi còn nhận được biên lai thu tiền lãi và tiết kiệm đầy đủ”.
Chứng kiến hoạt động tại điểm giao dịch, nghe báo cáo của tổ giao dịch lưu động, kiểm tra quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH huyện Hòa Vang trong việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Những nỗ lực đó đã góp phần thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Ông Thắng động viên bà con vay vốn tiếp tục sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn chính sách để thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.
“Điểm tựa” cho người nghèo
Gia đình bà Phan Thị Tĩnh ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) là một trong những hộ tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam về sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để vươn lên thoát nghèo. Năm 2012, gia đình bà vay 30 triệu đồng đầu tư nuôi heo. Bình quân mỗi năm, gia đình bán 3 lứa heo thịt, mỗi lứa 40 con, trừ chi phí, có thu nhập 16 triệu đồng/tháng.
Cũng nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Đại Lộc mà từ hộ nghèo “rớt mồng tơi” 7 năm về trước, nay gia đình bà Trần Thị Nhỉ ở thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng đã trở nên khá giả, xây được nhà kiên cố, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn...
Với 244 điểm giao dịch và trên 4.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước với tổng dư nợ đến nay đạt trên 3.485 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể qua các năm, song đáng nói là tỷ lệ hộ nghèo ở 9 huyện miền núi của Quảng Nam vẫn còn cao so với các huyện đồng bằng khác và bình quân chung toàn tỉnh. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam còn 51.817 hộ nghèo, chiếm 12,9% và 24.934 hộ cận nghèo, chiếm 6,21%. Trong đó, khu vực đồng bằng, hộ nghèo chiếm 6,15%, hộ cận nghèo 5,71%; khu vực miền núi, hộ nghèo chiếm 40,85%, hộ cận nghèo 8,26%.
Chính vì vậy, điều mà Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu NHCSXH tỉnh Quảng Nam là, ngoài việc mở rộng tín dụng còn phải phối hợp với các cấp, ngành liên quan tích cực lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, khuyến lâm, tạo việc làm và thu nhập ổn định để tăng tính hiệu quả và bền vững của các chương trình tín dụng chính sách; tiếp tục phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay hiệu quả; tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch tại xã, đảm bảo các phiên giao dịch đạt chất lượng cao, hiệu quả, an toàn...; đồng thời chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ sở, vật chất để NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thành Trang