Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 8 năm 2018 | 12:45

NĐ 15 về an toàn thực phẩm: Thoáng nhưng không buông lỏng

Giảm tối đa các thủ tục quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) là nội dung mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) ngày 2/2/2018 của Chính phủ.

Quy định tạo thông thoáng cho doanh nghiệp (DN), nhưng không buông lỏng quản lý; cho phép DN tự công bố sản phẩm, song vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng.

attp.jpg
Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua thực phẩm đã được kiểm tra trước khi đưa vào siêu thị.

Những điểm mới

Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Nghị định 15 được điều chỉnh so với Nghị định 38 và chuyển hướng mạnh  từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tự công bố hợp quy, phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu…).

Nghị định 15 quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Trong đó, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện tự công bố và gửi bản tự công bố qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.

Cùng với đó, Nghị định 15 có những quy định mới: Mở rộng đối tượng cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thay đổi về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc lưu giữ thông tin, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm,…

Siết chặt hậu kiểm

Nghị định 15 được đánh giá là đã tạo bước đột phá trong phương thức quản lý ATTP khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Nghị định 15 tạo thông thoáng cho DN, cụ thể người tiêu dùng liệu có yên tâm về những thông tin sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố khi đã có không ít thông tin sai lệch, không trung thực về sản phẩm đã từng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để trục lợi? Công tác hậu kiểm có kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sản phẩm không an toàn trên thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định, Nghị định 15 mặc dù tạo thông thoáng cho DN, nhưng không buông lỏng quản lý, cho phép DN tự công bố sản phẩm, nhưng không có nghĩa là muốn công bố thế nào cũng được, muốn quảng cáo ra sao cũng tùy, mà DN tự công bố chất lượng sản phẩm nhưng vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Cụ thể là nâng cao mức phạt theo Bộ luật Hình sự, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất.

“Đặc biệt đối với việc hậu kiểm, Chính phủ hiện đang có đề án nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường, có chức năng mới, sẽ xử lý hành động nhanh hơn, chỉ đạo xuyên suốt, thì việc kiểm soát các quy định, tuân thủ các quy định của Nhà nước về kiểm soát ATTP sẽ được đẩy mạnh. Hơn thế nữa, việc triển khai trên 8.000 chợ, gần 400 siêu thị, trên 4.000 cửa hàng tiện ích và hơn 2 triệu hộ kinh doanh sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, hệ thống thanh tra, thí điểm tại các thành phố lớn về ATTP đến tận tuyến huyện, xã, với lực lượng thanh tra chuyên ngành này, việc phát hiện ra các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định, điều kiện ATTP sẽ thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn”, bà Lê Việt Nga lưu ý.

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia thực hiện kiểm nghiệm miễn phí, lấy mẫu ngẫu nhiên một số loại thực phẩm tại các chợ, siêu thị để đánh giá chất lượng, qua đó góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu thực phẩm cho một số ngành hàng. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương các địa phương và các DN phân phối sẽ tập hợp nhu cầu và đề xuất với Bộ Công Thương để Bộ có kế hoạch tổng thể phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia triển khai các hoạt động kiểm nghiệm này.

Xử phạt nặng nếu vi phạm

Theo Nghị định 15, DN được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải làm các thủ tục về mặt hành chính. Nếu làm được theo đúng tinh thần này có thể tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện một số UBND tỉnh, thành phố chưa có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp nhận hồ sơ tự công bố của DN.

Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng: “Ở một số địa phương, việc tiếp nhận hồ sơ tự công bố của DN vẫn do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện, song nhiệm vụ này vẫn chưa chính thức, sau này nếu UBND tỉnh lại giao cho cơ quan khác tiếp nhận, sẽ gây khó cho DN”.

Ngoài ra, trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về ATTP nhập khẩu tại khoản 1, Điều 13 của Nghị định 15 không quy định để được miễn kiểm tra ATTP đối với lô hàng nhập khẩu; khi làm thủ tục hải quan, DN phải nộp/xuất trình cho cơ quan hải quan bản sao/bản chính “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm”, gây khó cho cả hai phía.

Cũng theo phản ánh của phía hải quan, tại các điều 16, 18, 19 Nghị định 15 quy định phương thức kiểm tra giảm áp dụng tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng một năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kiểm tra hồ sơ. Quy định này hiện chưa thể thực hiện được do thiếu cơ sở dữ liệu, quy định giấy tờ phải nộp chưa cụ thể.

Trước những băn khoăn trên, lãnh đạo Cục ATTP cho rằng, phương pháp kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra không quá 5% hồ sơ của DN là tạo thuận lợi tối đa cho DN, điều đó đồng nghĩa cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải chấp nhận một tỉ lệ rủi ro nhất định. “Cơ quan hải quan có thể lấy ngẫu nhiên bất kỳ hồ sơ nào của DN, nhưng tỷ lệ không vượt quá 5%, tức là có thể 1%, tùy theo điều kiện. Vấn đề mấu chốt là tăng cường công tác hậu kiểm để xử lý vi phạm nếu có”, ông Phong bày tỏ.

Ngoài ra, nhiều người lo ngại, những quy định “thoáng” tại Nghị định 15 sẽ tạo kẽ hở trong công tác kiểm soát ATTP. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc công bố các chỉ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng phải căn cứ vào các quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, nếu vi phạm, công bố quá thấp hoặc quá cao, DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm như phạt tiền, thu hồi sản phẩm, ngừng sản xuất, bồi thường thiệt hại nếu có...

Giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thúc đẩy sản xuất

Bộ Công Thương hiện là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, để hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã và đang tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Bà Lê Việt Nga  cho hay: Thời gian qua, Vụ đã tích cực tư vấn hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP ngành Công Thương.

Mục tiêu của hoạt động là khuyến khích và hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm ATTP trong kinh doanh như HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm. Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 32 địa phương. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tư vấn và xây dựng được 8 chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm ATTP đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt tại Hà Nội, Đà Nẵng.

“Thời gian tới, trong khuôn khổ Dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 24 địa phương”, bà Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhằm phổ biến các kiến thức cơ bản về ATTP, các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm, Bộ Công Thương đã xây dựng và phát hành cuốn “Cẩm nang ATTP trong kinh doanh” và “Cẩm nang quản lý vệ sinh ATTP tại chợ”, bao gồm các nội dung cơ bản về tầm quan trọng của ATTP, quản lý nhà nước về ATTP, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP, hướng dẫn đáp ứng các yêu cầu về ATTP trong quá trình thẩm định thực tế đối với cơ sở kinh doanh, các câu hỏi thường gặp trong quá trình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ DN trong việc áp dụng các mô hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các hoạt động kết nối cung cầu, truyền thông nhằm xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thực phẩm an toàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo chủ trương thông thoáng, giảm ách tắc cho DN, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hỗ trợ DN phát triển bền vững.

 

 

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top