Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 12 năm 2020 | 10:53

Ngành mía đường trước “dòng thác” đường giá rẻ

Điêu đứng vì đường cát nhập lậu trước sức ép hội nhập, mía đường Việt mong được cạnh tranh “sòng phẳng” và đề nghị hợp tác đầy đủ điều tra chống bán phá giá đường.

Tuy nhiên, để phát triển vững bền thì việc liên kết, đổi mới và quyết tâm của chính các doanh nghiệp mới là giải pháp quan trọng giúp ngành mía đường vượt qua cơn sóng này.

 

t23.jpg

Diện tích mía nguyên liệu niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng. 

 

Sức ép lớn

Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 01/01/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Ngay lập tức một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.

Trong số đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Không những thế, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma đều có xuất xứ từ Thái Lan (vì bản thân các nước này không đủ mía để sản xuất cho nhu cầu nội địa và đều nhập khẩu từ Thái Lan để có cơ sở phát chứng thư CO form D) khiến tổng đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan là 1,083,876 tấn, chiếm 97,7%.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã bị dìm xuống mức thấp nhất trong khu vực, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng là thấp nhất. Người nông dân trồng mía Việt Nam chưa được tạo điều kiện cạnh tranh ngang bằng với các đồng nghiệp trong khu vực và hầu như không có cách nào khác ngoài từ bỏ cây mía để tìm cây trồng khác dẫn đến diện tích mía nguyên liệu suy giảm trầm trọng.

Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng nêu rõ, trong tổng số 40 nhà máy mía của ngành đường Việt Nam, vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Đến niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vụ 2020-2021 sẽ chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 04 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Tìm hướng đi mới

Xác định sản xuất kinh doanh mía đường sẽ còn gặp nhiều khó khăn ở cả hiện tại và tương lai gần, để tìm giải pháp có thể tồn tại, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, công ty đã áp dụng rất nhiều giải pháp từ nhỏ đến lớn để giảm thiểu những chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm như: Cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại hơn; Tìm những giống mía tốt nhất, phù hợp nhất với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng miền; Đưa những loại phân bón phù hợp với cây mía, hướng dẫn và trợ giúp bà con khoa học kỹ thuật trồng - chăm sóc để tăng năng suất…

Nhờ đó, đến nay, Mía đường Sơn La tự tin rằng hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về giá khi có giá thành sản xuất ở mức thấp, tiệm cận với đường sản xuất tại Thái Lan.

Cũng nhằm hạ giá thành sản xuất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, Công ty CP mía đường Lam Sơn lại có hướng đi khác, đó là chuyển sang phát triển một số sản phẩm sau đường như nước dinh dưỡng tế bào mía, sản xuất phân bón từ bã mía, sản xuất điện từ nhiệt lượng sinh ra trong quá trình sản xuất mía… Việc đa dạng hóa các sản phẩm này giúp công ty tận dụng một cách triệt để tất cả các phần của cây mía nhằm tăng hiệu quả thu hồi và hạ giá thành sản xuất đường. Nhờ đó, đến nay, công ty đang sở hữu bộ sản phẩm đường đa dạng và được nhiều khách hàng công nghiệp lớn lựa chọn là nhà cung cấp sản phẩm.

Đó là hai trong những giải pháp các doanh nghiệp mía đường đang kiên trì thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trải qua hơn 25 năm thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thu nhập cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả, giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.

Theo TS Lê Đăng Doanh, hội nhập là điều tất yếu. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên. Những doanh nghiệp nào mạnh mẽ đổi mới, mạnh mẽ tìm giải pháp thích nghi sẽ có cách để “sống sót”, thậm chí là “sống tốt” còn những trường hợp thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần thiết phải có một cuộc đào thải. Sẽ có những doanh nghiệp mạnh mua lại những doanh nghiệp yếu để đầu tư bài bản. Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực.

“Cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh

Tổng Thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc cho biết, các đơn vị cũng đang tích cực trong công tác chống gian lận thương mại đường nhập lậu theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có giao cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường.                 

Đa dạng hóa thị trường

Còn trong dài hạn, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có bộ sản phẩm đường và sau đường đa dạng, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng. Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) dẫn chứng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu cho ngành đường Việt Nam khi quy định hạn ngạch xuất khẩu 20 nghìn tấn đường các loại và 400 tấn đường đặc biệt từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế. Thuế xuất khẩu ngoài hạn ngạch vẫn được tính với thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020-2021 ước đạt 2,1 triệu tấn (-8,7%), tương ứng với khoảng 11,3% sản lượng đường tiêu thụ trong khu vực. Để đạt được lợi thế cạnh tranh tại thị trường này, các sản phẩm nông sản (bao gồm mặt hàng đường) cần bảo đảm được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, do mức tiêu thụ đường bình quân đầu người tại EU đã ở mức cao (35kg/người/năm, cao hơn mức trung bình thế giới 22,6 kg/người/năm), nhu cầu sử dụng đường của thị trường này đang hướng đến các sản phẩm cao cấp như đường organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung thêm dưỡng chất... Đây là những sản phẩm có giá bán cao, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 35-40%, là cơ hội để doanh nghiệp mía đường Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tìm thêm cơ hội trong gian khó.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top