Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 12 năm 2020 | 22:39

ĐBSCL: Ngành mía đường gặp khó

Giá mía nguyên liệu thấp khiến diện tích giảm nhanh, lượng đường lậu, đường nhập khẩu lớn khiến đường trong nước không thể cạnh tranh, nhiều nhà máy đã phải dừng hoạt động, hơn lúc nào hết ngành mía đường ở ĐBSCL đang thực sự gặp khó khăn.

 Những năm gần đây diện tích mía ở ĐBSCL giảm nhanh.

 

Diện tích giảm, nhà máy đóng cửa

Những năm gần đây, diện tích trồng mía ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân giá thu mua mía nguyên liệu chỉ đạt 850 đồng/kg, giá bán thấp khiến người dân không mặn mà với loại cây này. Trong khi đó, doanh nghiệp thì không thể mua cao hơn vì sẽ bị lỗ.

Việc giá mía giảm khiến nhiều người dân đã thay thế cây trồng khác hoặc chuyển đổi loại hình sinh kế dẫn tới diện tích múa giảm nhanh. Niên vụ mía 2019-2020, tỉnh Long An chỉ trồng được 481ha, đạt 22,9% kế hoạch và chỉ bằng 10,8% so với niên vụ trước. Hậu Giang là tỉnh trồng mía hàng đầu ở ĐBSCL, nhưng những năm qua diện tích mía đã giảm dần.Nên vụ 2019-2020 này chỉ còn khoảng 5.400ha, mặc dù năng suất ổn định nhưng chi phí sản xuất cao nên người trồng mía vẫn không có lãi.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang  cho biết, cây mía là một trong những loại nông sản chủ lực của địa phương này suốt nhiều năm, có thời điểm diện tích lên tới 15.000ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cả bấp bênh, trong khi giá thành sản xuất cao, người dân bỏ mía, tỉnh có 3 nhà máy đường thì nay chỉ còn một nhà máy hoạt động, tỉnh cũng không còn xác định cây mía là cây chủ lực nữa.

Được biết, vùng ĐBSCL trước đây có 10 nhà máy đường thì hiện chỉ còn 3 nhà máy hoạt động và sản lượng ngày càng giảm. Riêng, tại Hậu Giang có 3 nhà máy đường hoạt động thì hiện chỉ còn 1 nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty CP Mía đường Cần Thơ. Theo kế hoạch năm nay, nhà máy sẽ ép 200 ngàn tấn mía, ít hơn vài năm trước đây nhưng đại diện công ty cho hay, đến thời điểm này đã ép khoảng hơn 30 ngàn tấn và khó có thể đạt được kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân là đường ngoại nhập có giá thấp, buộc các nhà máy đường trong nước phải hạ giá đường để cạnh tranh, từ đó phải giảm giá thu mua mía của nông dân để đảm bảo hoạt động cho nhà máy. Người dân không có lãi đành bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Nhà máy thiếu nguyên liệu nên sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng, cho biết, vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng ngày càng giảm. Năm 2017, diện tích mía lên tới 8.400ha, nay giảm còn khoảng 2.400ha. Sản lượng thu mua của doanh nghiệp cũng giảm dần, từ 476.000 tấn năm 2017 xuống còn 170.000 tấn năm 2020. Thu nhập bình quân của người trồng mía vì thế liên tục thua lỗ. Cụ thể, năm 2017 lỗ 5 triệu đồng/ha, năm 2018 lỗ 8,4 triệu/ha, năm 2019 lỗ 200.000 đồng/ha, đến năm 2020 thì người dân hòa vốn.

Không đủ sức cạnh tranh

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng lý giải, sản lượng đường giảm mạnh là do tác động của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại, ngoài ra còn do sự biến tướng trong sản xuất. Có những vụ chúng tôi chỉ bán được 10% trong suốt vụ sản xuất, tồn kho tới 90%. Chạy ăn từng bữa, chạy lương, chạy bảo hiểm cho nhân viên nên doanh nghiệp và nông dân trồng mía vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

 

 

Mặt khác, giá đường ngoại nhập chính ngạch và nhập lậu thấp khiến sản lượng đường ở Việt Nam 3 năm nay sụt giảm, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng. Trong 11 tháng qua, tới 1,3 triệu tấn đường từ Thái Lan nhập về Việt Nam, giá nhập còn thấp hơn cả giá thành sản xuất tại Thái Lan. Trong khi đó, sản lượng đường của niên vụ 2019-2020 của Việt Nam qua cân đối chỉ khoảng 800.000 tấn.

Theo ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.

Các chuyên gia cho rằng khi hội nhập thì phải cạnh tranh sòng phằng, doanh nghiệp mía đường Việt Nam cần tự thay đổi, tự lớn mạnh, những trường hợp thụ động thì cần thiết phải đào thải.

Đồng quan điểm, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích cho rằng, năng suất và chất lượng mía của nước ta vẫn khá khiêm tốn so với đối thủ Thái Lan. Thế nên, nếu không khắc phục được những yếu kém này thì chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà.

Để ngành mía đường ở ĐBSCL phát triển bền vững, những năm tới các ngành chức năng cần dồn sức quy hoạch lại các vùng mía nguyên liệu cho tương thích cho các nhà máy lớn tồn tại lâu dài, đồng thời chuyển đổi hướng sản xuất cho các vùng nguyên liệu của những nhà máy đường không đủ sức cạnh tranh bị xoá sổ.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2466 tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Trước đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, quan điểm của Chính phủ trong thời gian tới đối với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định “đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp”; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hằng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa vùng mía tập trung; nghiên cứu đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai…

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top