Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2019 | 13:15

Đâu là lối đi cho ngành mía đường Việt?

Giá mía nguyên liệu xuống thấp, lượng đường tồn kho lớn, tình trạng đường nhập lậu ngày càng tinh vi khiến ngành đường đang gặp khó.

1.JPG
Với nhiều nguyên nhân khác nhau, ngành mía đường nước ta đang gặp khó.

 

Khó khăn bủa vây

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hiện nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường. Trong vụ sản xuất 2017-2018, cả nước có 37 nhà máy đường hoạt động, sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn đường; niên vụ 2018-2019, các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường. Diện tích mía nguyên liệu ở nước ta giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước.

Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Trong khi đó, chi phí đầu tư 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu đồng khiến người trồng mía thua lỗ nặng, phải bỏ ruộng. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn.

Cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, mức cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành mía đường. Hệ lụy là, 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Điển hình như tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, lượng đường đang ùn ứ khoảng 40.000 tấn, giá trị tương đương 500 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa tồn kho khoảng 15.000 tấn, tương đương hơn 170 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng diện tích mía đường của Việt Nam khoảng 250.000ha. Với năng suất bình quân hiện nay 66 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 17 triệu tấn mía đường, hàng năm ép ra khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn đường.

“Cạnh tranh giá đường trên thị trường quốc tế rất khó khăn. Giá thành của chúng ta cao và xu hướng thị trường thế giới đang thừa đường. Chính vì thế, gặp rất nhiều khó khăn, trước hết cho người nông dân, khi giá mía mua hiện chỉ 800 - 900 đồng/kg, rất bấp bênh. Giá thành cao so với khu vực và trên thế giới. Dẫn đến, cả chuỗi đường, từ người nông dân trồng mía cho đến nhà máy và cả khâu phân phối đều gặp khó”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Việc gia nhập và thực thi ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.

Về vấn đề này, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đường nội yếu thế, khó cạnh tranh bởi chi phí sản xuất cao, nhưng mở cửa thị trường, các ngành sản xuất phải chấp nhận cuộc chơi thương mại sòng phẳng.

Những giải pháp mang tính bền vững

Theo ông Nguyễn Công Hàm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, để nâng cao thu nhập cho người dân trồng mía, cần phải chuyển từ sản xuất theo bề rộng sang sản xuất theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập làm mục tiêu phát triển, cân đối với khả năng tiêu thụ đường của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía và hạn chế tối đa diện tích phế canh.

Ông Lê Quang Tuyền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cũng cho rằng, phải liên kết chặt chẽ giữa các hộ để tạo cánh đồng lớn, đưa máy móc vào sản xuất, như vậy, mới hạ giá thành, nâng cao năng suất. Hiện, có một số giống mía có triển vọng, năng suất, hàm lượng đường cao, chống chịu được sâu bệnh, phù hợp với vùng miền núi phía Bắc như giống KK3, LK92-11, K95-84, K95-156, Uthong 12, K88-92..., bà con có thể tham khảo, áp dụng.

Đồng quan điểm, TS. Trần Văn Khởi, nguyên quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, khi chúng ta phát triển, mở rộng các vùng nguyên liệu phải cân đối với đầu ra, với nhu cầu thị tường và năng lực của nhà máy. Nếu chúng ta sản xuất mía cho công nghiệp nhưng ta không có đầu ra công nghiệp thì vô cùng rủi ro. Do vậy, các địa phương phải có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất ra sản phẩm và chế biến công nghiệp. Việc tuân thủ quy hoạch, phát triển một cách có kế hoạch gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ cho sản xuất mía là chìa khóa làm tăng hiệu quả trong sản xuất mía.

Trong khi đó, theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các địa phương cần cơ cấu lại các biện pháp canh tác và quy trình công nghệ theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, áp dụng tiến bộ công nghệ mới thay thế phương pháp canh tác truyền thống. Đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị; hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mía, trong đó nhà máy, công ty tham gia cổ phần và là thành viên của hợp tác xã.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành mía đường cũng phải kiện toàn lại để đảm bảo có đủ những nhà máy có sức mạnh và có quy mô nhất định bằng cách hợp nhất, liên doanh, đảm bảo cho đủ năng lực cạnh tranh về công suất là con đường duy nhất phải thực hiện. Cùng với đó, phải rà soát lại tất cả các khâu, trong đó có khâu giống, để đẩy năng suất của cây mía không phải 66 tấn/ha mà phải 80 tấn/ha, thậm chí 100 tấn/ha thì mới đủ khả năng cạnh tranh.

Hiệu quả từ đầu tư bài bản

Thực tế nhiều công ty mía đường đang tìm những hướng đi mới cho mình. Điển hình như Công ty CP Đường Biên Hòa đang phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa trên vùng nguyên liệu trọng điểm, tăng diện tích mía organic (sản phẩm hữu cơ) lên 5.000ha tại Lào, áp dụng nghiên cứu khoa học nhằm tăng 15% năng suất mía, quy hoạch hệ thống kho bãi, tối ưu chi phí vận chuyển...

Công ty này cũng chuyển đổi từ việc cung cấp mặt hàng đơn thuần trở thành những sản phẩm cao cấp hơn, có lợi cho sức khỏe như đường hữu cơ, đường ăn kiêng, đường phèn cao cấp để tăng sức cạnh tranh.

Hay Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi chú trọng mở rộng quy mô, nâng cấp thiết bị, cơ giới hóa canh tác mía và phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Công ty cũng đầu tư 1.440 tỷ đồng vào dây chuyển sản xuất đường tinh luyện RE công suất 1.000 tấn/ngày để tối ưu hóa hiệu quả chuỗi mía đường - điện sinh khối - Ethanol.

Tại Nhà máy đường An Khê, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi còn tập trung đầu tư mở rộng diện tích mía, tăng cường liên kết sản xuất với nông dân xây dựng các cánh đồng mía lớn để chủ động cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng mía, tăng thu nhập cho nông dân.

Đến nay, Nhà máy đường An Khê có vùng mía nguyên liệu khoảng 26.000ha, trong đó có 3.800 ha sản xuất theo cánh đồng mía lớn. Từ thực tế cho thấy, mía sản xuất trên cánh đồng lớn có năng suất cao hơn nhưng chi phí đầu tư lại giảm so với trồng truyền thống có bình quân năng suất đạt hơn 85 tấn/ha; một số nơi có năng suất cao, từ 130 tấn đến 140 tấn/ha. Mặc dù người trồng mía ở nhiều nơi khác đang thua lỗ, nhưng nông dân tham gia cánh đồng mía lớn vẫn có lãi 13 - 20 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, thời gian qua, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) tập trung xây dựng các mô hình thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mía nguyên liệu. Đến nay, toàn vùng đã xây dựng được 185 mô hình thâm canh cây mía, với tổng diện tích 3.850 ha, trong đó có 530 ha thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Năng suất mía nguyên liệu bình quân của mô hình thâm canh đạt từ 85 tấn/ha trở lên, riêng mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ năng suất đạt từ 100 tấn/ha trở lên, chi phí sản xuất giảm 20-25% so với canh tác thông thường.

Các hộ dân tham gia mô hình thâm canh thu lãi từ 60 - 65 triệu đồng/ha, cá biệt có một số hộ thu lãi 75-80 triệu đồng/ha. Để có đủ điều kiện thực hiện chương trình phát triển vùng nguyên liệu, nhất là phát triển theo hướng tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mía nguyên liệu, công ty đã đầu tư nhiều máy móc thiết bị cơ giới giảm bớt áp lực lao động thủ công.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, thu hồi đường, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã đầu tư nâng công suất Nhà máy đường số 2 từ 4.500 tấn/ngày lên 8.500 tấn/ngày; đầu tư nhà máy phát điện từ bã mía công suất 23,5 MW, đầu tư nhà máy đường phèn với công suất 50 tấn sản phẩm/ngày... Đây là những dự án đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và khắc phục một phần tình trạng khó khăn của ngành mía đường hiện nay. Công ty cũng đã triển khai định vị nhận diện lại thương hiệu LASUCO theo hướng sản phẩm đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm.

Trước khó khăn của ngành mía đường, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đưa cây mía phát triển một cách bền vững. Có như vậy, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) có hiệu lực, người trồng mía và doanh nghiệp mới có thể đứng vững trên sân nhà.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top