Hiện nay, cà phê Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng sản lượng chỉ bằng một nửa Brazil, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cà phê.
Thông tin trên được ông Robério Oliveira Silva, Giám đốc Điều hành tổ chức cà phê Thế giới (ICO) cho biết tại hội thảo “Tương lai phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030” do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo vị đại diện ICO thì, sản lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu đứng hàng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil (Việt Nam 27.500 bao so với gần 45.400 bao của Brazil, 1 bao = 60kg). Nhưng về giá trị chỉ xếp hàng thứ 3 sau Colombia, sản lượng xuất khẩu của nước này chỉ có 12.500 bao chưa bằng một nửa của Việt Nam nhưng giá trị đạt tới 2,6 tỉ USD trong khi Việt Nam chỉ đạt 2,4 tỉ USD.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do Việt Nam chủ yếu xuất thô, chưa chế biến sâu. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam bán hàng thông qua 26 đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mà chưa tiếp cận trực tiếp với các nhà rang xay cà phê thế giới. Ngành cà phê Việt Nam hiện đang thực hiện đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”.
Hội thảo đã thu hút được đông đảo các hiệp hội cà phê của khu vực và quốc tế
“Ngành cà phê đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu cà phê, đạt tỷ trọng từ 30 - 40% sản lượng, với các thương hiệu mạnh. Tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê đạt trên 200% so với hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 - 6 tỷ USD”, ông Tự cho biết thêm.
Để đạt được mục tiêu này, ngành cà phê đang hướng đến nâng cao hàm lượng chế biến ngay từ khâu sơ chế thông qua việc nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu cà phê có chứng chỉ, nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN-4193:2005. Đồng thời, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đưa tỷ lệ cà phê hòa tan, cà phê rang xay từ dưới 10% hiện nay lên 30% vào năm 2030. Khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến ướt quy mô lớn, gắn với xử lý nước hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Đoàn Xuân Hòa, nguyên Cục phó Cục Chế biến nông lâm thủy hải sản và nghề muối – Bộ NN&PTNT chia sẻ, trong những năm qua, cà phê đã trở thành ngành hàng nông sản quan trọng của quốc gia, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, hàng năm thu về hàng tỷ USD thông qua việc xuất khẩu tới trên 80 quốc gia trên thế giới. Hiện cà phê Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị phần toàn cầu, đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê Robusta và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhân.
Theo ông Hòa, hiện nay trong nước có 150 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cùng hơn 3000 đại lý tham thu mua cà phê, trong đó có 13 DN FDI. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 DN có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu; 90% các DN trong nước và 100% DN FDI mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu, dẫn đến chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao, đồng thời thiếu sự liên kết trong đàm phán về giá xuất khẩu cà phê, dẫn đến bị ép giá hoặc phá giá xuất khẩu.
Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê trưng bày sản phẩm tại “Ngày Cà phê Việt Nam năm 2016”
Ông Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện nay diện tích trồng cà phê của Việt Nam khoảng 650.000 ha với năng suất bình quân khoảng 2,7 tấn/ha.
Theo ông Hồng, giống cà phê đóng vai trò quan trọng trong việc dảm bảo cho ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển bền vững, bộ giống cà phê mới làm tăng hiệu quả sử dụng nước và phân bón sẽ giúp cho người trồng cà phê đạt được lợi nhuận cao hơn, đồng thời đưa năng suất cà phê của Việt Nam cao hơn hiện nay. Chính vì vậy mà Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu lai tạo ra một số giống mới nhằm thay thế những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp.
Nhằm góp phần quảng bá, thúc đẩy ngành cà phê phát triển, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 10/12 (ngày, cách đây 55 năm Bác Hồ thăm Nông trường cà phê Đông Hiếu, Phủ Quỳ, Nghệ An) là “Ngày Cà phê Việt Nam”.
Lễ hội “Ngày Cà phê Việt Nam năm 2016” được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11/12/2016 tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP. Hồ Chí Minh). Tại lễ hội có nhiều hoạt động phong phú như: Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Cà phê Việt Nam”; lễ hội quảng bá và văn hóa thưởng thức cà phê; tôn vinh những tập thể, cá nhân cho những đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam; công bố danh sách các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê uy tín.
Quang Minh
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.