Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 4 năm 2018 | 17:26

Ngày này, 43 năm trước của Trung tướng Phạm Xuân Thệ

Trung tướng Phạm Xuân Thệ là nhân chứng lịch sử bắt giữ và áp giải Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện,...

1111.jpg
Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại sự kiện ngày 30/4/1975.
 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ là nhân chứng lịch sử bắt giữ và áp giải Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
 
Mặc dù, thời khắc lịch sử 30/4/1975 đã đi qua cuộc đời ông 43 năm nhưng mỗi khi nhớ lại, ông vẫn nhớ như in từng cánh quân, từng địa chỉ, từng khoảng cách như mới xảy ra ngày hôm qua.
 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ là ai?
 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (sinh năm 1947) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khả Phong từng là nơi trú quân của Trung đoàn 66 (Trung đoàn Ký Con) và là căn cứ xuất phát của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực vượt phòng tuyến sông Đáy đánh vào vùng địch tạm chiếm trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
 
Lúc đó, ông không nghĩ có ngày mình chính thức trở thành anh chiến sỹ giải phóng quân, được biên chế ở chính Trung đoàn 66 (Đại đội 11, Tiểu đoàn 9) vào tháng 4/1968, để rồi có mặt ở dinh Độc Lập đúng ngày 30/4/1975, chứng kiến những giây phút trọng đại trong lịch sử của dân tộc.
 
Sau này, khi kể về những năm tháng của cuộc đời quân ngũ trong cuốn “Ký ức thời trận mạc” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2011), Trung tướng Phạm Xuân Thệ bộc bạch: “Được biên chế về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 là một vinh dự lớn với tôi... Tôi thầm hứa sẽ cố gắng phấn đấu để phát huy truyền thống của đơn vị và quê hương mình”.
 
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, bố ông là Phạm Văn Huệ, mẹ là Nguyễn Thị Nghiễm đều phải đi làm thuê cấy rẽ cho địa chủ. Ông là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Trong kháng chiến chống Pháp, cũng như bao người dân khác, cuộc sống khó khăn bữa cháo bữa rau, ông trải qua những ngày theo cha mẹ gồng gánh chạy càn, chui hầm tránh bom đạn.
 
Từ khi anh trai cả hy sinh, ông đã nuôi ước nguyện được trở thành anh bộ đội cụ Hồ để có thể đi đánh giặc cứu nước. Ngày 15/2/1965, khi chưa đầy 18 tuổi, hưởng ứng phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác” và “Thanh niên ba sẵn sàng”, ông tình nguyện lên Yên Bái tham gia xây dựng công trình thủy điện Thác Bà.
 
Sau đó, trước yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 5/8/1967, ông nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp bốn mươi năm của mình, được đảm nhận nhiều trọng trách: cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Thiếu tướng - Tư lệnh Quân đoàn 2, Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 1...
 
Trong đó, những ngày tháng lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, với cương vị Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2), ông đã chỉ huy đơn vị và cùng với các đơn vị khác tiến đánh căn cứ Nước Trong và Tổng kho Long Bình.
 
Và trưa ngày 30/4/1975, ông đã áp giải Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập đến Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
 
Ký ức khó quên: Giây phút quân giải phóng tràn vào dinh Độc Lập
 
Kể về những giây phút đầu tiên khi vào đến khu vực dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1975, trong cuốn “Ký ức thời trận mạc” Trung tướng Phạm Xuân Thệ viết: Xe của tôi đi vòng bên trái vào sát tòa nhà. Lúc này, các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 cùng các xe tăng của Lữ đoàn 203 đang tràn vào sân dinh.
 
Khi đi lên bậc thang trên cùng nối vào hành lang, đến sảnh của lầu 1, tôi thấy một người to cao, mặc áo cộc tay màu xám chạy đến trước mặt. Ông giơ tay tự giới thiệu: Báo cáo cấp chỉ huy, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc. Lúc này tôi mới biết toàn bộ nội các của chính quyền Dương Văn Minh đang trong dinh Độc Lập. Vì trước đó tôi nghĩ họ đã bỏ chạy hết khi thấy Quân giải phóng tiến vào và nghĩ vào dinh Độc Lập là chỉ để cắm cờ quyết chiến quyết thắng lên nóc dinh Độc Lập mà thôi.
 
Khi Tổng thống Dương Văn Minh nói: Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao. Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt, nói lớn: Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho Quân giải phóng!
 
Nghe tôi nói xong, nét mặt Tổng thống Dương Văn Minh thoáng chút bối rối và nói: Xin được bắt tay Quân giải phóng. Tôi liền gạt đi: Các anh là kẻ thù của chúng tôi, chúng tôi không bắt tay các anh!
nh-2.jpg
Thời khắc lịch sử 30/4/1975 quân giải phóng tràn vào sân dinh Độc Lập. (Ảnh: Internet)
Lúc này ngoài sân dinh Độc Lập và ngoài đường phố tiếng súng AK nổ rất nhiều, tôi biết là quân ta đang bắn súng để chào mừng chiến thắng, nhưng Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu nghĩ là đang còn nổ súng giao chiến nên ông Dương Văn Minh nói trong vẻ lo lắng: Ngoài đường phố súng nổ rất dữ, đi ra Đài phát thanh không bảo đảm an toàn, cho chúng tôi được tuyên bố đầu hàng tại đây.
 
Nhưng tôi suy nghĩ là phải đưa ra Đài phát thanh để phát lên sóng mới lan truyền khắp nơi và để quân đội ngụy Sài Gòn nhanh chóng bỏ vũ khí, kết thúc chiến tranh, nên chúng tôi kiên quyết buộc ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu phải ra xe để đến đó. Lúc này tiếng súng AK vẫn nổ mạnh. Tôi giải thích cho hai ông: Quân Giải phóng đã làm chủ thành phố Sài Gòn nên bắn để chào mừng chiến thắng chứ không phải còn đánh nhau ngoài đường phố. Chúng tôi đảm bảo an toàn cho các ông.
 
Khi xuống đến cửa sảnh, ông Dương Văn Minh giơ tay về phía bên trái của dinh Độc Lập chỉ vào một chiếc xe sang trọng và nói: Mời cấp chỉ huy lên xe của chúng tôi để đến Đài phát thanh. Tôi chỉ vào chiếc xe Jeep bám đầy bụi đất và cắm lá ngụy trang nói với ông ta: Chúng tôi đã có xe để đưa ông đi.
 
Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ Trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” (Lịch sử quân đoàn 2 (1974 - 2004), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2004).
 
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung tướng Phạm Xuân Thệ tiếp tục công tác trong quân ngũ, nhận nhiều nhiệm vụ với nhiều trọng trách khác cho đến khi nghỉ hưu (năm 2008), trọn vẹn bốn mươi năm tuổi quân.
 
 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I, sinh năm 1947 tại Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam, nhập ngũ năm 1967. Trong kháng chiến chống Mỹ, chức vụ, quân hàm cao nhất của ông là Đại úy, Trung đoàn phó E66. Năm 1991, ông trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Năm 1995, ông được phong Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2. Năm 2002, ông được phong Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1.
 
Tháng 1/2008 ông nghỉ hưu. Trung tướng Phạm Xuân Thệ được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý như Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ hạng Ba, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng... Ngày 14/4/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng Trung tướng Phạm Xuân Thệ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

 

 

 

 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top