Dịch lở mồm long móng (LMLM) hiện đang diễn ra rất phức tạp đã tác động không nhỏ đến người chăn nuôi lợn.
Nhiều gia đình mất ăn, mất ngủ lo phòng chống dịch. Người chăn nuôi càng lo lắng khi giá lợn hơi thì đang giảm trong khi Tết Nguyên đán đã gần kề.
Dịch lở mồm long móng lan rộng
Dịch lở mồm long móng trên lợn vừa xuất hiện tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh (Quảng Trị). Ổ dịch phát hiện mới nhất vào ngày 4/1 tại thị trấn Gio Linh và xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
Qua xét nghiệm một số lợn thịt tại các hộ dân, cơ quan chức năng phát hiện virus lở mồm long móng type O. Ở huyện Vĩnh Linh vẫn còn 57 con lợn phát bệnh sau khi tiêm phòng.
Tại huyện Gio Linh, trong ngày 10/1, Trạm Chăn nuôi và thú y (CN&TY) huyện Gio Linh và các cơ quan chuyên môn đã tiến hành tiêu hủy gần 130 con lợn bị bệnh LMLM. Tính đến nay, địa phương này đã tiêu hủy gần 150 con lợn bị bệnh lở mồm, long móng.
Nhằm khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cấp 1.900 lít hóa chất phun tiêu độc ở các khu vực chăn nuôi, các chợ.
Cơ quan chức năng tiêu hủy gia súc bị bệnh tại huyện Gio Linh. Ảnh: Dân Trí
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành chức năng đang tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi tiêu hủy lợn dịch bệnh theo quy định. Khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tiêu hủy lợn bị mắc bệnh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, tiêm phòng. Tuy vậy, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Trong khi dịch lở mồm long móng ở TP.Kon Tum (Kon Tum) diễn biến phức tạp thì tình trạng giết mổ heo nhỏ lẻ, bày bán dọc đường dân sinh chưa được ngăn chặn triệt để, dẫn đến nguy cơ dịch lan rộng.
Bà Trần Thị Thúy, Trạm phó Trạm chăn nuôi và thú y TP.Kon Tum, cho biết sáng 10/1 đã phát hiện thêm ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) mới ở thôn 1, xã Đăk Cấm, TP.Kon Tum. Đó là trại nuôi heo của bà Trịnh Thị Tâm (52 tuổi), gồm có 75 con heo (11 con heo nái, 25 heo con, 39 heo thịt), trong đó 10 con đã mắc bệnh. Chiều cùng ngày, Trạm chăn nuôi và thú y TP.Kon Tum phối hợp với chính quyền xã Đăk Cấm tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo trong trại chăn nuôi của bà Tâm.
Theo các cán bộ Trạm chăn nuôi và thú y TP.Kon Tum, bà Tâm là người hợp tác, còn nhiều trường hợp chưa chắc đã báo bệnh cho ngành chức năng xử lý. Bệnh LMLM trên gia súc ở TP.Kon Tum sau 2 ngày yên ắng thì bùng phát thêm ổ dịch kiểu này là phức tạp. Có điều ngay trung tâm của tỉnh Kon Tum là TP.Kon Tum lại không có nơi giết mổ tập trung, nên người dân giết mổ heo tự do, bày bán tràn lan trên các đường phố, trở thành mối nguy cơ lây lan mầm bệnh LMLM.
Ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó chủ tịch UBND TP.Kon Tum, cho biết thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra trên địa bàn ở 21 xã, phường xem dịch bệnh diễn biến ra sao để có biện pháp xử lý kịp thời. Còn với người dân, chính quyền đã yêu cầu và khuyến cáo là không được giấu dịch, phải khai báo và không được tự chữa trị.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ 16 ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn, hiện Hà Nội chỉ còn hai địa phương có dịch chưa qua 21 ngày là Chương Mỹ và Thường Tín, không phát sinh ổ dịch mới.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: “Khi nghe được thông tin có dịch LMLM, Hà Nội đã quyết tâm dập dịch, kịp thời phát hiện, khai báo, tiêm phòng bao vây, tẩy uế toàn thành phố từ 15 – 25/12/2018, không để bùng phát ổ dịch mới”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã thông tin đến tất cả các ban chỉ đạo ở xã, thị trấn về vấn đề khai báo dịch bệnh, thông báo cơ chế hỗ trợ 38.000 đồng/kg đối với lợn phải tiêu hủy để người dân hiểu và khai báo kịp thời, phối hợp với cơ quan thú y cùng khống chế, bao vây ổ dịch để xử lý triệt để.
Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, dường như người dân vẫn rất chủ quan về dịch LMLM. Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng một số nơi còn thực hiện chưa tốt. Khi có lợn bị bệnh người dân không khai báo mà tự mua thuốc điều trị. Do không có chuyên môn nên bệnh không khỏi, còn làm mầm bệnh phát tán ra ngoài môi trường, khiến dịch bệnh lan rộng. Khi có dịch bệnh xảy ra lại đổ lỗi cho Thú y.
Lao đao vì dịch lở mồm long móng
Sau khủng hoảng thừa và bão giá thịt lợn năm 2017, ngành chăn nuôi bắt đầu hồi phục từ quý II/2018. Từ tháng 4/2018, giá thịt lợn tăng mạnh, đạt ngưỡng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi cao và quay lại tái đàn. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được tày gang khi giá lợn hơi đang từ mức trên 50.000 đồng/kg bất ngờ quay đầu giảm xuống mức 43.000 - 45.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ cuối tháng 11/2018, người chăn nuôi lợn lại phải đối mặt với dịch LMLM.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu tháng 12/2018 đến nay, cả nước xảy ra 48 ổ dịch LMLM tại 6 tỉnh, TP. Tổng đàn gia súc bị mắc bệnh là 2.400 con, trong đó chủ yếu là lợn thịt do chưa được tiêm phòng vaccine LMLM. Hà Nội là địa phương có diễn biến dịch LMLM phức tạp nhất. Tính từ 12/11 tới nay, trên địa bàn Thủ đô có 4 huyện công bố có dịch gồm: Quốc Oai, Ba Vì, Đan Phượng và Thường Tín với 16 xã có dịch, số lợn mắc LMLM là 894 con, đã tiêu hủy 858 con.
Theo ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ (Cục thú y), từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch LMLM đã xảy ra tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh..., tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con) do chưa được tiêm phòng vắcxin LMLM. Tính đến ngày 1/1, cả nước có 24 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Phân tích nguyên nhân bùng phát dịch LMLM, ông Long cho rằng, nhận thức phối hợp của người dân chưa được tốt. Ngày 6/12/2018 khi có thông tin dịch bệnh, Cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra xuống kiểm tra tại các địa phương ở Hà Nội và đề nghị địa phương báo cáo ngay. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi vẫn không nhận được báo cáo.
“Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xuống các địa phương và quán triệt tinh thần nếu địa phương nào dấu dịch sẽ bị xử lý, lúc đó các địa phương mới bắt đầu báo cáo dồn dập. Nói như thế không có nghĩa các địa phương không nắm được tình hình dịch bệnh, chắc chắn họ nắm được, tuy nhiên họ không báo cáo như quy định”, ông Long cho biết.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.