Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2017 | 1:54

Người dân Hải Thành khổ cực sống cùng… người cõi âm

KTNT - Cơn lũ lịch sử năm 1999 quá lớn làm biển lấn sâu vào đất liền, cướp đi hàng chục hecta đất của người dân các tổ dân phố An Hải, Hải Thành, Minh Hải, Hải Bình, Hải Tiến của thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Nhiều hộ dân ở đây lâm vào cảnh “đất chật, người đông” nên họ quyết định dời đến nghĩa địa Âm Linh (tên người dân tự đặt vì ở đó có ngôi miếu Âm Linh), chấp nhận đi chung đường, sống chung đất với người chết.

Những đứa trẻ nơi đây đang phải đối diện với nguy cơ về bệnh tật, ô nhiễm môi trường trong nghĩa trang.

Sinh hoạt cùng “ma”

Chúng tôi về khu nghĩa trang tại Tổ dân phố (TDP) Hải Thành vào một ngày nắng ấm, nhưng không gian nơi đây vẫn toát lên vẻ lạnh lẽo bởi xung quanh là những ngôi mộ lớn, nhỏ nằm san sát nhau. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Phúc (52 tuổi, trú tại TDP Hải Thành) tâm sự: “Trước năm 1999, nhà tôi ở gần biển, nhưng trận lụt năm đó đã cuốn đi mảnh đất và nhà khiến gia đình tôi phải chuyển vào đây sinh sống. Đến nay, cũng đã hơn 17 năm “lập nghiệp” trên khu nghĩa địa này”.

Với hàng chục ngôi mộ lớn, nhỏ nằm bao quanh những ngôi nhà, thậm chí mộ nằm ngay trong sân nhà, cảnh tượng đó có lẽ sẽ khiến những người lạ lần đầu thấy sẽ không khỏi rùng mình, nhưng với người dân ở đây, việc đó đã trở nên bình thường. 

“Hồi mới chuyển về đây cũng sợ lắm, mấy đêm liền trằn trọc không tài nào chợp mắt được. Nhưng rồi không biết phải đi về mô nữa nên đành liều thôi. Bây giờ cả nhà tôi ai cũng quen rồi, không thấy sợ nữa”, ông Phúc vui vẻ nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân khu vực này chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển, buôn bán nhỏ, kinh tế không ổn định, đất đai không có khiến họ phải chấp nhận ở lại nghĩa địa này. Trong những năm qua, họ phải sống chung với tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo, ô nhiễm trong khu lăng mộ.

“Khu dân cư này được bao phủ giữa hàng chục ngôi mộ, nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều nhà ở đây phải đầu tư hệ thống giếng khoan sâu hàng chục mét để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, người dân cũng chỉ dám dùng nước giếng khoan để tắm, rửa, còn ăn uống phải mua nước bình rất tốn kém”, ông Lê Đình Tĩnh (40 tuổi, trú tại Tổ dân phố Hải Thành) cho biết.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng nguồn nước giếng khoan trong khu nghĩa địa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Kết quả phân tích cho thấy, nguồn nước ngầm trong các nghĩa địa lâu năm đa phần đều bị nhiễm nitrat và vi sinh phân hủy. Trong nguồn nước nhiễm bẩn có các hóa chất độc hại như: Axít sunphuríc, phốt pho, lưu huỳnh… và thường có hàm lượng amoni vượt mức cho phép (<1,5mg/lít). Nếu vượt quá chỉ số này, nguồn nước ngầm sẽ gây ra các loại bệnh như: Viêm ruột, viêm gan, ung thư da, rối loạn tiêu hóa…

Sẽ di dời

Sống trong vùng lăng mộ bủa vây lâu năm, nhiều hộ gia đình không chỉ đối mặt với nguy cơ bệnh tật mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ. Điều đáng nói nữa là, các hộ dân ở trong nghĩa địa này đều không có nhà vệ sinh hợp chuẩn.

Thực trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm qua, người dân ở khu này đều muốn có một cuộc sống ổn định hơn, có một mảnh đất “lành” để an cư lập nghiệp, tuy nhiên, với những người chỉ biết quanh năm bám biển như họ thì điều đó là lực bất tòng tâm. Họ cũng ngỏ ý, nếu chính quyền có phương án di dời hợp lý, phù hợp với cuộc sống sinh hoạt, kinh tế thì họ sẵn sàng chấp nhận.

Về vấn đề này, ông Ngô Văn Đủ, Phó chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, khu vực nghĩa địa ở Hải Thành có diện tích khoảng 3,5ha, có khoảng 30 hộ dân sinh sống xen kẽ trong đó gần 20 năm nay, đều chưa được cấp sổ đỏ sử dụng đất. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần vận động bà con di dời, tìm nơi ở mới phù hợp, vì môi trường khu vực này không đảm bảo an toàn sức khỏe tối thiểu cho người dân.

“Hiện, khu nghĩa trang này đã được quy hoạch, giải tỏa làm khu dịch vụ du lịch thương mại, đã chi trả tiền bồi thường cho 62 hộ dân có phần mộ ở đây và họ đã đồng ý chủ trương này. Còn những hộ dân dựng nhà sống trong nghĩa trang, chính quyền sẻ có kế hoạch di dời, bố trí đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống”, ông Đủ thông tin.

Việt Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top