Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 7 năm 2021 | 15:22

Người dân mong sớm nhận được tiền hỗ trợ

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 quy định về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó do dịch Covid-19.

Theo đó, NLĐ tự do là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, nhiều người “buôn thúng, bán mẹt” không giấu được niềm vui khi biết mình thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Mong sớm nhận được hỗ trợ

Bao nhiêu năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Lê Thị Hạnh ở phố Ngọc Lâm (Long Biên - Hà Nội) sáng nào cũng gánh nồi cháo đỗ đen ra đầu con ngõ nhỏ 52 Ngọc Lâm ngồi bán, kiếm tiền nuôi 6 miệng ăn, trong đó có mẹ già trên 80 tuổi bị tai biến.

 

t13.jpg
Chị Lê Thị Hạnh bán cháo đỗ đen trên hè phố Ngọc Lâm (Hà Nội).

 

Chị Hạnh cho biết, để có được nồi cháo đỗ đen này vào mỗi buổi sáng, chị phải thức dạy từ 3 giờ sáng để nấu. Ngày hè nóng nực, cháo đỗ đen là thứ ăn sáng được nhiều người ưa thích, vừa bổ lại vừa giải nhiệt cho cơ thể.

Từ năm ngoái đến nay, công việc bán hàng của chị thường xuyên bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Vào những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tôi phải nghỉ bán hàng, vì thành phố không cho phép cửa hàng ăn uống trong nhà và vỉa hè được hoạt động. Do đó, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Mấy ngày vừa qua, nghe được thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho những lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch, chúng tôi vui  lắm”, chị Hạnh nói.

Cũng không giấu nổi niềm vui, chị Nguyễn Thị Hiền bán bánh mỳ ngồi cạnh chị Hạnh chia sẻ, những lao động tự do chúng tôi chỉ muốn được bán hàng ổn định, kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống của gia đình, nhưng vì dịch bệnh nên ảnh hưởng đến thu nhập khá nhiều. Khó khăn là khó khăn chung nhưng chính quyền vẫn lo cho cuộc sống của nhân dân thì thật là hạnh phúc.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nguyễn Văn Chiều ở Hải Hậu (Nam Định) lên Hà Nội làm nghề xe ôm. Hàng ngày, anh đón khách tại điểm xe buýt trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên).

Trước khi có dịch, anh Chiều cũng kiếm được, hằng tháng, trừ  chi phí cho cá nhân, xăng xe, anh cũng gửi được một khoản tiền về quê cho người vợ ở nhà nuôi dạy con cái và chăm sóc bố mẹ.

Anh Chiều cho biết: Từ năm ngoái đến nay, do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, người dân ra đường hạn chế. Do đó, thu nhập của tôi giảm đáng kể, tháng thành phố thực hiện giãn cách xã hội thu nhập giảm sâu.

“Năm trước có nghe về gói hỗ trợ, tuy nhiên, tôi không được nhận. Gần đây được biết Chính phủ có gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tôi cũng là đối tượng được hưởng. Điều này thật là may mắn, chỉ mong sớm được hỗ trợ mà không phải có quá nhiều thủ tục”, anh Chiều chia sẻ.

Như anh Chiều, gia đình anh Nguyễn Thúc Định ở Thượng Thanh (Long Biên) cũng rất phấn khởi khi biết Nhà nước hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

t13a.jpg
Cửa hàng cơm nhà anh Định mới mở cửa trở lại.

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Định cho biết: Năm 2019, gia đình chuyển sang mở quán bán cơm, phục vụ cho công nhân đang xây dựng chung cư trên phố Đức Giang. Tuy nhiên, chuyển đổi kinh doanh từ tạp hóa sang quán cơm chưa được bao lâu thì dịch bệnh ập đến, chúng tôi phải dừng hoạt động một thời gian dài. Đầu tư ban đầu để chuyển sang kinh doanh ăn uống là khá lớn, chưa thu hồi được, ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của gia đình.

“Được hỗ trợ, dù là không nhiều, nhưng thế là vui rồi. Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà”, anh Định nói.

Khẩn trương triển khai

Nghị quyết 68 ngày 1/7 của Chính phủ và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. UBND các tỉnh, thành phố đã giao  ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu nội dung của nghị quyết để chủ động thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời tham mưu, đề xuất những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố.

Nội dung Nghị quyết 68 quy định 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ sử dụng lao động. Trong đó, đối với NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ; mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Về hỗ trợ hộ kinh doanh, hộ kinh doanh chỉ cần nộp giấy đề nghị hỗ trợ tại UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để tổng hợp, trình các cấp. Thời hạn giải quyết tối đa 10 ngày (giảm 2 ngày so với trước), hồ sơ được cắt giảm chỉ cần có giấy đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Long Biên  Trần Thị Hoài Hương cho biết, Phòng đang chờ văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể của UBND thành phố để thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, trước mắt chúng tôi sẽ tuyên truyền cho các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn hiểu và nắm rõ. Quan điểm là đảm bảo công bằng và minh bạch đối với các đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68, nhất là đối tượng lao động tự do, sẽ được rà soát, lập danh sách, bình xét và niêm yết công khai.

“Đây là chủ trương đúng đắn và mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành cho người dân, do đó, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉnh và chi trả hỗ trợ một cách công khai, minh bạch cho các đối tượng được thụ hưởng”, bà Hương nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: “Chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào mà “táo bạo” như lần này, tất cả vì NLĐ và người sử dụng lao động”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết: “Tinh thần đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục, phương châm thông thoáng nhất để người lao động, chủ sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất mà vẫn phải đúng luật. Người dân ngóng từng ngày, nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân, nếu làm sai thì có tội với dân”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói 62.000 tỉ đồng trước đây (Nghị quyết 42) có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng, nhanh cũng phải 10 ngày. Nhưng nay với quyết định này sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.

 

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết, mặc dù chính sách vừa được thông qua nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có những chuẩn bị và sẵn sàng triển khai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng đã bàn và sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai với tất cả các địa phương bằng hình thức trực tuyến. Người sử dụng lao động cần vay vốn để trả lương ngừng việc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh có thể chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục vay sớm nhất. Chúng tôi đã sẵn sàng. Gói lần này Ngân hàng Nhà nước cho tái cấp vốn khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng, chúng tôi sẽ căn cứ vào việc bố trí vốn của Ngân hàng Nhà nước để tổ chức thực hiện”, ông Huỳnh Văn Thuận cho biết.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top