Ngày 23/5, cùng với cử tri cả nước, hơn 722.000 cử tri của Phú Yên tham gia bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Khu vực bỏ phiếu số 4, phường 7, TP Tuy Hoà có 951 cử tri. Trong đó có một cử tri đặc biệt là bà Cao Thị Hoà An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh Phú Yên. Bà Cao Thị Hoà An cũng là người đầu tiên bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu. “Tôi thấy rất hạnh phúc, vinh dự và tự hào vì đã hoàn thành trách nhiệm của một công dân. Tôi tin tưởng rằng với sự ủng hộ, tham gia bỏ phiếu đông đảo của cử tri toàn tỉnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này sẽ thành công tốt đẹp”, bà Cao Thị Hoà An nói.
Huyện Sông Hinh thuộc vùng miền núi của Phú Yên, có hơn 37.585 cử tri, trong đó có trên 50% cử tri là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước 6 giờ 30 sáng, đông đảo cử tri đã phấn khởi đến các điểm bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình. Anh Y Doan ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết: Mấy ngày trước, qua loa tuyên truyền của xã, tôi đã đến điểm bỏ phiếu tìm hiểu tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên. Tôi thích các ứng cử viên quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, có các giải pháp, kiến nghị Chính phủ, địa phương đầu tư cho vùng miền núi, góp phần giúp đổi thay đời sống của người dân nơi đây. Hôm nay, tự tay cầm lá phiếu đi bầu, tôi cảm thấy rất vui, hãnh diện vì mình đã góp phần chọn lựa được người đại biểu xứng đáng.
Cũng trong sáng 23/5, sau khi làm nhiệm vụ cử tri, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đến nhiều khu vực bỏ phiếu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh để kiểm tra công tác tổ chức, triển khai bầu cử. Qua đó lưu ý các địa phương phải đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian diễn ra bầu cử. Đối với số cử tri còn lại chưa đi bỏ phiếu, các tổ bầu cử cần cử người đôn đốc, nhắc nhở, vận động bà con sớm đến bỏ phiếu, đảm bảo tỉ lệ người đi bầu đạt mức cao nhất.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.