Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân từ các tỉnh, thành đã đóng gói đồ đạc quay trở lại Hà Nội. Do lo ngại tình hình dịch bệnh, cũng như giao thông ùn tắc, nhiều người đã trở lại Thủ đô từ rất sớm.
Tại các tuyến đường cửa ngõ, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 05/02/2022 (tức ngày mùng 5 Tết Nhâm Dần), có rất nhiều người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy di chuyển vào trung tâm Thủ đô. Có thời điểm, số lượng các xe đổ dồn về quá nhiều gây ra tắc nghẽn tạm thời.
Quan sát trên tuyến đường QL5 (Hà Nội – Hải Phòng), đoạn Nguyễn Văn Linh nối với đường vành đai 3 ngã tư Quốc lộ 1B (đi Lạng Sơn), dòng người và các phương tiện tăng nhiều hơn so với những ngày trước. Hàng loạt các chuyến xe khách liên tỉnh Lạng Sơn – Hà Nội hay Hải Dương – Hà Nội nối đuôi nhau tiến vào nội thành, báo hiệu người dân đang quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán để chuẩn bị bắt đầu một cuộc sống thường nhật.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tiến Vinh (Đội CSGT số 5 – CA TP Hà Nội) cho biết, để đảm bảo cho người dân tham gia giao thông an toàn, thuận lợi, cũng như tránh để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, lực lượng chức năng đã tổ chức cắm chốt, phân luồng giao thông vào khung giờ cao điểm. Dự đoán lượng người cũng như các phương tiện sẽ còn tăng lên trong ngày tiếp theo.
Trên tuyến cửa ngõ Pháp Vân - Cầu Giẽ vào 16h chiều nay, từ Km25 chiều hướng về Hà Nội lượng phương tiện trên tuyến gia tăng, tốc độ lưu thông trên tuyến lúc này phương tiện chỉ di chuyển được 60 km/giờ. Ảnh: GT
Tình trạng các phương tiện giao thông tăng đột biến cũng xảy ra tương tự trên các tuyến đường như Giải Phóng – Ngọc Hồi, ngã ba Văn Điển – Ngọc Hồi. Ngay từ đầu giờ chiều, tại cửa ngõ Thủ đô phía Nam, hàng ngàn phương tiện di chuyển từ các tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình về Hà Nội. Không chỉ tại các tuyến đường cửa ngõ, theo ghi nhận tại các bến xe, số lượng xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại cũng tăng cao.
Tại bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), số lượng xe khách ra vào bến tấp nập, người dân hối hả tay xách nách mang đồ đạc rời bến để trở về nhà. Anh Đặng Thành Nam, lái xe tuyến Nam Định – Hà Nội chia sẻ, mặc dù chúng tôi chỉ chạy lấy ngày khai xuân nhưng số lượng khách trên xe cũng khá đông. Nhiều người lo hết vé nên đã gọi điện đặt xe từ trong Tết để ra Hà Nội cho đúng ngày.
Trên tay hai vali đồ đạc, chị Phạm Thị Hồng đến từ Thanh Hóa, cho hay: Năm nay tôi quyết định trở lại Hà Nội sớm hơn mọi năm, vừa để tránh tình trạng đông đúc, kẹt xe, vừa có thêm thời gian nghỉ ngơi lấy sức để chuẩn bị đi làm.
Một nhân viên tại bến xe Giáp Bát cho biết, số lượng khách trở lại Thủ đô bắt đầu tăng dần trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết. Mỗi xe về bến trung bình có khoảng 20 – 30 khách. Chủ yếu là những người phải đi làm sớm, còn một số do tâm lí sợ đông, phải chen chúc nhau nên quay lại Hà Nội sớm hơn dự định.
Được biết, trước đó, ngày 04/02/2022 (tức ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần), ngay từ đầu giờ chiều trên các tuyến đường cửa ngõ, khu vực bến xe… đã đông nghẹt người và phương tiện. Đặc biệt là tại khu vực nút giao cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3 liên tục xuất hiện ùn tắc kéo dài.
Đoạn ùn tắc xảy ra theo hướng vào trung tâm thành phố, kéo dài tới nút giao Đông Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đây là tuyến đường thường xảy ra xung đột giao thông giữa hai dòng phương tiện đi vào thành phố theo hướng Giải Phóng và lên đường vành đai 3 trên cao, cộng thêm việc người dân đổ về khu vực nay đông hơn nên đã xảy ra tắc nghẽn.
"Để giải tỏa ùn tắc, trong khoảng thời gian từ 16h25 - 16h45 chiều nay (5/2), Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) đã phải cho xả trạm", ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc MPC thông tin. Ảnh: GT
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) cho biết, trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có thời điểm xảy ra ùn tắc cục bộ. Do vậy, để có thể xử lí việc ùn tắc xảy ra trên tuyến, chúng tôi đã bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện cũng như các thiết bị, dụng cụ cũng như tăng cường tần suất kiểm tra trên tuyến tại các trạm thu phí để có thể xử lí kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các đơn vị lực lượng chức năng như cơ quan công an, cảnh sát giao thông,… để tổ chức phân làn, phân luồng từ xa, hạn chế ùn tắc thấp nhất có thể trên tuyến” – ông Ánh chia sẻ thêm.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.