Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 6 năm 2018 | 13:16

Người mang tên “sống lại từ rừng”

51 năm đã trôi qua, mọi người chỉ biết gọi ông với cái tên thật ấn tượng: “Sống lại từ rừng”. Ông là người gan dạ trong chiến đấu, đôn hậu trong cuộc sống đời thường. Đó là ông Lâm Sanh Lại, sinh năm 1945, ở xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông - Đắk Lắk).

anh.JPG
Ông Lâm Sanh Lại.

 

51 năm đã trôi qua, mọi người chỉ biết gọi ông với cái tên thật ấn tượng: “Sống lại từ rừng”. Ông là người gan dạ trong chiến đấu, đôn hậu trong cuộc sống đời thường. Đó là ông Lâm Sanh Lại (tên thật là Lâm Ngọc Châu), sinh năm 1945, ở xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông - Đắk Lắk).

Sự hồi sinh bất ngờ

Năm 12 tuổi, ông Lại cùng gia đình phải rời nơi “chôn nhau cắt rốn” Tam Kỳ (Quảng Nam) để lên khẩn hoang lập nghiệp tại dinh điền Khuê Ngọc Điền (Đắk Lắk). Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng,  không cam chịu cuộc sống “cá chậu chim lồng” vô cùng hà khắc của Mỹ - Diệm, ông bất chấp mọi hiểm nguy rình rập, tham gia du kích hoạt động bí mật ngay trong lòng địch.

Tháng 5/1966, ông được cấp trên cử đi đào tạo y sỹ để về phục vụ bà con vùng căn cứ. Thế nhưng, sau khi học xong chương trình y tá thì ông bị cơn sốt rét ác tính, cơ quan tận tình điều trị song thấy ông không qua khỏi, chuyển ông xuống nhà xác để lo hậu sự, đồng thời làm giấy báo tử về cho gia đình. Sau một đêm nằm ở nhà xác, sáng hôm sau, khi mọi người tập trung đưa ông đi chôn cất, thì phát hiện ông sống lại trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Cùng thời gian này, khi gia đình nhận được giấy báo tử, đã lập bàn thờ để thờ cúng ông. Một năm sau, ông được cơ quan phân công về địa phương công tác, vừa bước chân vào nhà, mọi người không khỏi bàng hoàng, xúc động và để ghi nhớ sự kiện này, cha ông đặt lại tên cho ông là Lâm Sanh Lại, nghĩa là “sống lại từ rừng”.

Tài - đức vẹn toàn

Về địa phương công tác, bằng sự gan dạ và mưu trí, ông lập được nhiều chiến công, được kết nạp vào Đảng và trở thành Bí thư xã khi mới 24 tuổi đời.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông ở đội công tác C4, đồng thời là Huyện ủy viên, được cấp trên phân công về làm Bí thư Chi bộ một xã vùng đồng bào có Đạo. Thời gian này, bọn Fulro lén lút hoạt động chống phá cách mạng, chúng thường len lỏi vào các buôn làng ám sát cán bộ, gây nhiều khó khăn trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở vùng mới giải phóng. Thế nhưng, là người gần dân, “vui sau cái vui của thiên hạ”, ông được bà con tin yêu che chở, giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tháng 9/1981, huyện Krông Bông thành lập, ông được điều động về lại địa phương lần lượt giữ nhiều chức vụ như: Bí thư xã, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, rồi Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho đến ngày về hưu. Trên 40 năm sống, chiến đấu và làm việc, kinh qua nhiều chức vu, ông luôn là người có tâm, có tầm, hết lòng vì công việc.

Điều đáng trân trọng ở ông là lòng nhân hậu, mặc dù không phải là người khá giả, nhưng trong nhiều năm qua, với đồng lương hưu ít ỏi, hàng tháng ông đều đặn trích ra  300.000 đồng để làm từ thiện và ủng hộ Quỹ vì người nghèo của xã mỗi năm 3 triệu đồng. Noi gương ông, người con gái Lâm Thị Thu Hương đi làm ăn xa, mỗi dịp lễ Tết về thăm nhà, chị đều dành dụm tiền mua hàng chục suất quà, trị giá hàng triệu đồng để tặng một số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đối với những hộ gặp hoạn nạn, ông Lại và con sẵn sàng chia sẻ bằng những khoản tiền tiết kiệm.

Đặc biệt, khi cơn bão số 12 đi qua vùng đất Yang Mao (Krông Bông), hồi tháng 11/2017, gia đình ông mua tặng bà con vùng bão 500kg gạo, 60 thùng mì tôm và 7 bao áo quần… Món quà tuy không lớn, nhưng thể hiện tấm lòng tri ân đối với đồng bào đã từng đùm bọc ông trong những năm tháng còn công tác.

Ghi nhận công lao đóng góp của ông Lại, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý và trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Giờ đây, ở lớp người “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn say mê làm việc và làm từ thiện, là tấm gương sáng được mọi người thương yêu, quý mến.

 

 

 

Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc
Top