Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) đã có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Nhờ vốn vay tín dụng NHCSXH, nhiều hộ trồng hoa ở Mê Linh có thu nhập từ trăm triệu đồng/năm trở lên.
Gỡ khó cho người trồng hoa
Gia đình ông Nguyễn Duy Tạo ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) là một trong hàng nghìn hộ sử dụng vốn vay NHCSXH hiệu quả. Vừa tất bật cắt hoa hồng giao cho khách, ông Tạo vừa thổ lộ: “Xã Mê Linh có chợ đầu mối nên thị trường tiêu thụ hoa khá thuận lợi. Hoa trồng đến đâu bán hết veo đến đó. Mấy năm nay, hoa hồng được giá nên nông dân thu nhập cũng khá”.
Theo tính toán của ông Tạo, trung bình mỗi sào hoa (1 sào Bắc Bộ = 360m2), sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi từ 10-15 triệu đồng/năm, gấp chục lần so với trồng lúa, gấp 4 lần so với trồng rau. “Tuy nhiên, vốn đầu tư trồng hoa không hề nhỏ. Để đầu tư cho mỗi sào hoa, người dân phải bỏ ra từ 25-30 triệu đồng. Gia đình tôi mới thoát nghèo chưa lâu, muốn mở rộng diện tích trồng hoa nhưng ngặt nỗi không có vốn”.
Đang lúc khó khăn, qua “kênh” Hội Nông dân xã, ông Tạo được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mê Linh cho vay 40 triệu đồng chương trình vốn vay giải quyết việc làm (GQVL). Từ năm 2014 đến nay, ông Tạo đã mở rộng diện tích trồng hoa lên 8 sào. Nhờ trồng hoa, gia đình Tạo có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, cho biết: “Nghề trồng hoa có ở địa phương từ lâu. Ban đầu chỉ có 1 vài hộ trồng hoa. Nhận thấy thu nhập hấp dẫn gấp chục lần so với trồng lúa, nông dân trong xã chuyển sang trồng hoa ngày càng nhiều. Xã có 364,5ha đất nông nghiệp thì có đến 230ha là trồng hoa. Cùng với trồng hoa, nhiều hộ dân nơi đây còn làm đầu mối chuyên thu gom hoa bán buôn, bán lẻ khắp các tỉnh, thành. Để hỗ trợ người dân trồng hoa, Hội Nông dân xã Mê Linh đã tín chấp với NHCSXH với dư nợ hơn 2,4 tỷ đồng cho 120 hộ vay, trong đó chương trình vay vốn GQVL có dư nợ lớn nhất.
Hơn 2.000 hộ được giúp vốn làm ăn
“Được NHCSXH ủy thác, Hội Nông dân xã rất chú trọng việc kiểm tra sử dụng vốn của các hộ vay. Công tác bình xét, lựa chọn hộ vay được các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công khai, minh bạch và chặt chẽ. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn”, ông Bảy khẳng định.
Ông Bảy thông tin, năm 2016, toàn xã Mê Linh có 1.726 hội viên (chiếm hơn 83% tổng số hội viên) đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có hàng trăm mô hình trồng hoa có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Quang Mạnh Hà, Phó giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mê Linh, cho biết: Hiện, Phòng giao dịch đang thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ là 222,9 tỷ đồng, cho 11.729 lượt hộ vay. Trong đó, dư nợ Chương trình cho vay GQVL là 50,9 tỷ đồng đầu tư cho 2.131 hộ vay vốn phát triển sản xuất.
“Năm 2016, nguồn vốn vay Chương trình GQVL đã góp phần xây dựng 154 mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa trên địa bàn huyện Mê Linh. Trong đó có 45 mô hình được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi đầu tư mới từ ban đầu.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch còn tập trung nguồn vốn cho các mô hình kinh tế theo địa bàn xã về phát triển làng nghề ở xã Tiến Thịnh; mô hình trồng hoa tại các xã Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê; mô hình chăn nuôi bò được đầu tư vốn phát triển rộng khắp. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mê Linh có hơn 7.000 con bò…”, ông Hà thông tin thêm.
Năm 2016, trên 11.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Mê Linh được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho 930 hộ thoát nghèo, tạo việc làm ổn định cho 600 lao động, xây dựng 2.400 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… |
Thu Hà