Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 15:10

Nguy cơ tiềm ẩn từ rượu ngâm rễ cây

Nhiều loại rễ cây, cỏ có những tác dụng khi ngâm với rượu để xoa bóp, hay uống để điều trị những bệnh thông thường theo kinh nghiệm của dân gian. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng uống quá liều lượng đối với những loại rượu ngâm rễ cây dẫn đến ngộ độc.

Ngộ độc rượu ngâm rễ cây rừng
 
Mới đây ngày 30/6, tại xóm Bản Trang, xã Dân Chủ, huyện Hòa An đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 2 người mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Nguyên nhân ban đầu nghi do uống rượu ngâm rễ cây và ăn vải thiều.
 
ruou-16430472860961471859222.png
Uống rượu ngâm rễ cây Cao Bằng có một nạn nhân tử vong.

 

Theo kết quả kiểm nghiệm phát hiện Gelsemine và Koumine trong mẫu rượu ngâm rễ cây và mẫu rễ cây, đây là độc chất thường có trong cây lá ngón; còn mẫu vải thiều không có độc chất này.
 
Như vậy, tác nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm trên là do độc tố tự nhiên và nguyên nhân do uống rượu ngâm rễ cây rừng có độc tố Gelsemine và Koumine.
 
Trước đó vào chiều ngày 18/5, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây chữa bệnh.
 
Hai bệnh nhân nam 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng về để chữa đau lưng, đau khớp gối.
 
Sau khi uống được 5 ngày, các bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng ngộ độc nặng, hôn mê, có tổn thương não.
 
Đó là bệnh nhân Trương Văn Đ (60 tuổi, Nghệ An) có tiền sử uống rượu nhiều năm. Bệnh nhân bị bệnh đau xương khớp, theo lời mách của một "bà dân tộc" lên rừng đào rễ cây mú từn (tên gọi địa phương) về ngâm rượu để uống, khoảng 50ml/ngày.
 
Sau 10 ngày sử dụng sản phẩm rượu ngâm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao.
 
Cũng bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng đang điều trị tại Trung tâm Chống độc là bệnh nhân Lê Bá T (50 tuổi, cũng ở Nghệ An).
 
Bệnh nhân có tiền sử uống rượu thường xuyên, khoảng 500ml/ngày. Bệnh nhân làm nghề đi biển, trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân cũng uống rượu ngâm rễ cây rừng theo lời mách của một “bà dân tộc” để chữa bệnh xương khớp, khoảng 150ml/ngày.
 
Vợ bệnh nhân cho biết sau 3 ngày uống rượu ngâm rễ cây, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nhưng bệnh nhân vẫn đi biển.
 
Trên tàu, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
 
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.
 
Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó nếu chúng ta uống các loại rượu ngâm một cách “thoải mái” như thế này thì rất dễ bị ngộ độc.
 
“Đây là hai trường hợp dễ phát hiện, có thể xử lý được, tuy nhiên sẽ có nhiều trường hợp phức tạp khác bởi trong tự nhiên có quá nhiều hợp chất, các chất khác nhau mà chúng ta không biết. Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong,” Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết.
 
Không nên uống rượu không rõ nguồn gốc
 
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau: Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
 
ruou-ngam-1949.jpg
Không nên uống rượu ngâm rễ cây không rõ nguồn gốc
 
Ngoài ra, người dân không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đồng thời, không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
 
Theo BS Phan Thanh Hải, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, uống rượu ngâm lá cây, rễ cây không rõ nguồn gốc, người uống dễ gặp phải rủi ro về sức khỏe. Ở các điểm du lịch thường xuất hiện nhiểu người buôn bán những loại lá cây, rễ cây để ngâm rượu. Tuy nhiên, trường hợp này chúng ta cần thận trọng, không nên mua những loại lá, rể cây để ngâm rượu nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
“Nếu uống uống rượu ngâm lá cây, rễ cây không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, do trong quá trình ngâm có thể lẫn tạp chất, việc bảo quản không đúng cách hoặc khi ngâm lẫn lộn nhiều loại có thể gây tương tác giữa các loại dược phẩm với nhau. Ngoài ra, cách bảo quản trong quá trình ngâm rất quan trọng, nếu bảo quản không đúng rất dễ dẫn đến ngộ độc”- BS Phan Thanh Hải cho biết.
 
Hiện nay, việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, các bác sỹ khuyến cáo dù là thảo dược nhưng đó cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được.
 
Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sỹ. Nếu sử dụng thảo dược một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.
 
 

Triệu chứng của ngộ độc rượu

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, triệu chứng ngộ độc rượu biểu hiện từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nồng độ cồn trong máu, cụ thể:

Nồng độ cồn từ 20 - 50 mg/dL, người dùng có biểu hiện kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.

Nồng độ cồn từ 50 - 100 mg/dL, người dùng có biểu hiện chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.

Nồng độ cồn từ 100 – 200 mg/dL, người dùng có biểu hiện nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm.

Nồng độ cồn từ 200- 400 mg/dL, người dùng có biểu hiện hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tiêu tiểu ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.

 

 
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top