Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 2017 | 2:19

NHCSXH huyện Bố Trạch 15 năm trên mặt trận ​giảm nghèo

Để phát huy hiệu quả và bảo toàn đồng vốn tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Quảng Bình cùng với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch cũng như chính quyền địa phương nơi đây đã cân đong sao cho phù hợp với từng tiểu vùng.  Sau 15 năm, hiệu quả của đồng vốn tín dụng ưu đãi đã phủ khắp 30 xã, thị trấn của huyện, là bàn đạp góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh biên giới.

Đồng bào dân tộc thiểu số A Rem làm thủ tục vay vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Tân Trạch.

“Cõng” vốn lên non

Cán bộ NHCSXH vẫn nhắc lại câu chuyện NHCSXH là đơn vị duy nhất trên địa bàn cung cấp tín dụng cho bà con xã Tân Trạch, những ngày đầu “cõng” vốn lên bản người A Rem lọt thỏm trong dãy Trường Sơn hùng vĩ, nằm giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng thật gian nan. Trước đây, đường vào bản A Rem rất khó khăn, NHCSXH phải thuê xe ô tô u-oát để vào xã khai mở tín dụng. Bắt đầu từ con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông rẽ vào con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại theo sườn Tây Trường Sơn, đây là cầu nối duy nhất giúp bà con ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch của huyện Bố Trạch hòa nhịp với hơi thở cuộc sống miền xuôi. Từ động Phong Nha lên bản A Rem chỉ khoảng 39km nhưng ô tô  cũng phải “bò” mất nửa ngày.

Được xem như là nhóm địa phương của người Chứt, ít tiếp cận với đời sống văn minh nên người A Rem còn khá nhiều quan niệm lạc hậu. Gánh nặng gia đình hầu như dồn lên đôi vai người phụ nữ. Cái đói, cái nghèo và sự túng thiếu như sợi dây vô hình ghì chặt những mảnh đời nơi đây. Chính vì vậy, ngay từ ngày thành lập, NHCSXH đã dành nhiều công sức cho vùng đất này. Dù ngày ấy nhiều lần đi về tay trắng, song cán bộ tín dụng không ngừng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vay vốn sản xuất.

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên theo sát người dân để “cầm tay chỉ việc”, nói cho dân hiểu và làm theo. Từ đó, bà con tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”. So với thời điểm 2003, số hộ của bản đã tăng gần gấp đôi với 97 hộ, trong đó có 91 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã đến với 62 hộ gia đình nơi đây để phát triển chăn nuôi và 20 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở.

Sau những nỗ lực của cán bộ tín dụng trong thăm thẳm mênh mông núi rừng, sức sống mới đang hiện lên trong từng nếp nhà mái tôn đỏ tươi của người A Rem, thay vì cuộc sống “ăn lông ở lỗ” mấy mươi năm trước. Điển hình như gia đình anh Đinh Cất, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo để chăn nuôi và trồng rừng hiệu quả. Ông Đinh Pin cũng nhờ vay 4,5 triệu đồng chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để chăn nuôi từ năm 2004 nên đến nay, ông đã có một gia tài với 7 bò, đàn dê 15 con. Hộ ông Đinh Trặp vay 4,5 triệu đồng chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò, lợn, nay đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản, mua được ti vi... Ông Đinh Rầu tâm sự: “Lúc mới về định cư ở bản A Rem, mình chỉ biết sống nhờ rừng, đi săn con chim, bẫy con thú mà sống. Được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ cùng với 5 triệu đồng vốn chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, mình đã biết trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống”. Hiện, gia đình ông Rầu nuôi 10 con bò, 10 con lợn, ngoài ra còn nuôi thêm ngỗng...

Đồng hành cùng khó khăn của người dân

Dòng vốn chính sách đã chạm tới những nhu cầu thiết thực, cấp bách của người dân cơ hàn để thắp lên khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, trong năm 2013, ảnh hưởng của cơn bão số 10, năm 2016 ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, đã khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, NHCSXH đã kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý nợ rủi ro và tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho người dân khắc phục và ổn định sản xuất.

Vốn ưu đãi đã giúp gia đình anh Đinh Cất ở bản A Rem đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả.

Bà Lê Thị Hoàn, thôn 8 ngọn Rào, xã Xuân Trạch, chỉ vào cháu gái đang chạy vào sân, nói: “Nó đó, năm 2013, lụt dâng hơn 30 mét, cả nhà trèo lên nóc chờ cứu hộ, trong một tích tắc, nước xiết cuốn luôn con bé, may mà mắc vào cái cột nhà nên cứu được”. Cũng bởi vậy, việc được vay 15 triệu từ NHCSXH để xây nhà chống lũ đã giúp bà “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm hơn khi mưa lũ về. Hay sự cố môi trường biển, dù nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi sinh kế Trung ương chưa về, song việc chuyển đổi sinh kế của người dân không vì thế mà ngưng lại. NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm giúp người dân mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi, bám biển.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Hồ Sỹ Lương ở thôn Thượng Đức khi anh đang kiểm tra các vằng lưới chuẩn bị cho chuyến ra biển chiều tối. Một đời bám biển, dù nay biển không còn mang lại cuộc sống khấm khá như trước, nhưng hai vợ chồng anh vẫn chẳng thể rời bỏ. Chị Trần Thị Tám (vợ anh) cho biết, cũng như bao cặp vợ chồng ở làng chài này, mỗi sớm mai chị vẫn chờ chồng đi biển về để mang cá, tôm ra chợ bán. Trước đây, khi chưa có sự cố môi trường biển, mỗi tháng thu nhập của gia đình đạt khoảng 20 - 30 triệu đồng nhưng nay giảm đi chỉ còn 7 - 8 triệu đồng. Ít nhưng vẫn phải làm vì gia đình không có đất canh tác, chuyển nghề kinh doanh cũng không dễ, lại thiếu vốn. Vì vậy, số tiền 110 triệu đồng được đền bù cùng tiền vay của NHCSXH, gia đình chị đầu tư thêm ngư lưới cụ, cải tạo con thuyền để vươn khơi, ổn định cuộc sống.

Nhìn lại hành trình 15 năm của NHCSXH, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, ông Trần Quang Vũ, nhìn nhận, NHCSXH đã góp phần cùng với huyện thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho tầng lớp nhân dân có thu nhập thấp, bộ phận dân cư ở các vùng miền khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Với phương châm tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương, tích cực huy động vốn từ ngân sách địa phương, huy động vốn từ Tổ Tiết kiệm và vay vốn và tiết kiệm từ dân cư, đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH Bố Trạch đạt 431,341 tỷ đồng, tăng 399,719 tỷ đồng so với năm 2002, nợ quá hạn và nợ khoanh 639 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,15%/ tổng dư nợ.

Nhìn lại 15 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng vốn cho vay của NHCSXH đã và đang phát huy hiệu quả. Với 15 chương trình tín dụng đang triển khai, đến nay, đã có 79.537 lượt hộ gia đình được vay vốn, tạo việc làm cho 30.000 lao động; 41.029 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 2.496 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; 10.970 học sinh, sinh viên có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp, 12.607 lượt hộ gia đình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng 25.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe; 3.978 lượt hộ gia đình vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; 1.772 hộ gia đình nghèo vay vốn hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg, 312 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở phòng tránh bão lũ theo Quyết định 48/QĐ-TTg, qua đó đã giúp 70% số hộ yên tâm hơn khi mùa mưa lũ về, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.

Những con số ấn tượng ấy đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 24,0% (năm 2005) xuống còn 9,85% (năm 2016) theo chuẩn mới và cơ bản không còn hộ đói, không còn hộ ở nhà tạm. Đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đạt 31,1 triệu đồng/người, tăng gấp 10 lần so với năm 2002.

Những kết quả trên là nền tảng và động lực thôi thúc cán bộ NHCSXH huyện Bố Trạch làm tốt hơn nữa những kế hoạch mà Trung ương và tỉnh giao, góp phần đưa tín dụng chính sách không chỉ là chính sách giảm nghèo hiệu quả mà còn là điểm tựa để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện Bố Trạch.

Nguyễn Ngọc

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top