Chiều 26/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội giai đoạn (2002 – 2017), đề ra các mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2020.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi báo cáo tại hội nghị
Ông Trần Duy Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng hàng chính sách xã hội (CSXH) Quảng Ngãi cho biết: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ có vốn phát triển sản xuất, đáp ứng kịp thời có hiệu quả cho mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đồng thời là điểm tựa tin cậy cho người nghèo và gia đình chính sách.
Đồng hành với hộ nghèo và gia đình chính sách
Sau 15 năm thực hiện tín dụng chính sách, đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng. Tổng dư nợ toàn tỉnh đạt trên 2.823 tỷ đồng, tăng trên 2.670 tỷ đồng, tăng 19 lần so với năm 2002.
Cán bộ NHCSXH Quảng Ngãi thực hiện giao dịch tại xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi
Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thành niên, Hội Cựu Chiến binh,… xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn.
Từ đó đã hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng thôn, khu phố đưa vốn vay ưu đãi của chính phủ đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay được dễ dàng.
Đến nay, mạng lưới hoạt động đã hình thành 2.901 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 98.788 hộ vay tại 184 xã, phường, thị trấn, bình quân mỗi xã có gần 16 Tổ TK&VV đang hoạt động, mỗi Tổ trung bình có 34 tổ viên với dư nợ bình quân 970 triệu đồng/tổ.
Trong 15 năm qua, là ngoài nguồn vốn tăng trưởng chính từ ngân hàng cấp trên, NHCSXH chi nhánh Quảng Ngãi cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác huy động vốn trên địa bàn, đặc biệt, tích cực trong công tác tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, chính bản thân người vay vốn là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Hiện, đơn vị đã huy động tiền gửi thông qua TK&VV đạt 80,299 tỷ đồng, chiếm 2,84%/ tổng nguồn vốn thực hiện từ năm 2009; huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đạt 42,284 tỷ đồng, chiếm 1,5%/tổng nguồn vốn.
Các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả đã giúp cho người dân tiếp cận với nguồn vốn được dễ dàng; việc trả tiền gốc và lãi định kỳ được thực hiện ngay tại các xã, phường; giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm được nhiều thời gian, đặc biệt không ngừng nâng cao được hiệu quả nguồn vốn vay.
Vượt khó, làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi
Qua 15 năm hình thành và phát triển, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 516.485 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác tại khắp các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi…
Đến nay, nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho cho hơn 36.000 lao động vay vốn làm việc trong và ngoài nước; 52.486 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập tiếp tục chắp cánh ước mơ đến trường; xây dựng 99.298 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn sinh hoạt hợp vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống; với 1.884 hộ nghèo vay vốn làm nhà tránh lũ; 15.550 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh…
Gia đình ông Đinh Văn Hòa ở thôn Hà Thành, xã Sơn Thành (huyện Sơn Hà), là một trong những hộ nghèo của xã. Nhà có ruộng vườn, nhưng do thiếu vốn, gia đình ông cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. Năm 2013, ông được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để cải tạo 02 ha mía, mua thêm giống keo để trồng và chăn nuôi thêm trâu, gà.
Đến nay, kinh tế gia đình ông Hòa khấm khá lên, cuộc sống ổn định hơn, gia đình ông hiện có khoảng 1ha keo, 1,5 ha mía, trên 10 sào ruộng. Ngoài ra, ông còn đầu tư mua thêm máy băm ruộng để kiếm thêm thu nhập. Mỗi năm trừ chi phí, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Đến nay ông trả được vốn vay, đã thoát nghèo và trở thành hộ nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.
Cũng vượt qua khó khăn nhờ nguồn vốn chính sách, ông Đinh Quang Ôn ở thôn Hoăn Vậy, xã Sơn Thành (huyện Sơn Hà) được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong năm 2005 để mua trâu về nuôi và mua keo giống về trồng. Tận dụng đất vườn ông Ôn trồng cỏ để làm thức ăn cho trâu, cộng với chăm sóc tốt. Qua 04 năm, đàn trâu nhà ông sinh được 5 con, ông bán 4 con thu được 38 triệu đồng. Đến năm 2013, gia đình ông đã trả hết số nợ cũ và đã thoát nghèo...
Sau đó, ông tiếp tục vay thêm 25 triệu đồng từ nguồn vốn vay chương trình dành cho hộ cận nghèo và vay 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH. Từ nguồn vốn này, gia đình ông đầu tư mở rộng diện tích trồng keo, nuôi trâu, trồng mía. Đến nay, gia đình ông có 06 con trâu, 02ha keo khoản 4 năm tuổi, 02ha mía.Nay cuộc sống gia đình ông ổn định hơn, nhà cửa được xây dựng khang trang, có điều kiện lo cho con cái được học hành.
Với những hoạt động thiết thực và hiệu quả, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ngãi đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn của nhân dân, trở thành điểm tựa vững chắc, tạo tiền đề cũng như động lực quan trọng giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao tặng Bằng khen cho trên 29 tập thể và 46 cá nhân; trao tặng Giấy khen của Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam cho 29 các tập thể và 63 cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2002 – 2017.
Hải Yến