NHCSXH Quảng Ngãi triển khai cho vay đối với cơ sở SXKD sử dụng lao động là người khuyết tật
Đối tượng được vay vốn là người khuyết tật và cơ sở SXKD, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật...
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường cho biết: Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 8/5/2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên tuyền sâu rộng trong Nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật biết để tiếp cận chính sách cho vay đối với người khuyết tật.
Nguồn vốn để cho vay chương trình này từ nguồn cho vay hỗ trợ việc làm và duy trì mở rộng việc làm.
Theo đó, đối tượng vay vốn là người khuyết tật và cơ sở sản xuất kinh doanh, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
Mức cho vay với cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng.
Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, tức 3,96% năm. Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng.
Điều kiện bảo đảm tiền vay, người lao động không phải đảm bảo tiền vay bằng tài sản. Cơ sở sản xuất, kinh doanh vay từ 100 triệu đồng trở lên phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Được biết, trong những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp, thông qua với Hội người mù và các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động là người khuyết tật trên địa bàn tỉnh triển khai cho vay số tiền gần 1 tỷ đồng, với 57 lao động là người khuyết tật.