Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 11 năm 2016 | 1:57

Nhiệm vụ xuyên suốt của NHCSXH: Kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo

Tích cực huy động nguồn lực, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo NHCSXH trong chuyến thị sát tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Bắc Kạn vừa qua.

Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng (người mặc áo màu sáng) trò chuyện, động viên các hộ vay vốn tại Điểm giao dịch xã Diễn Kim (Diễn Châu - Nghệ An).

Đưa vốn đến đúng địa chỉ

Nghệ An là tỉnh có dân số đông thứ 4 cả nước; trình độ dân trí giữa các vùng miền khá chênh lệch. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có hơn 164.200 hộ nghèo (chiếm 22,86%), trong đó hộ nghèo vùng miền Tây Nghệ An chiếm tỷ lệ khá cao, tới 36,19%.

Xác định tín dụng chính sách là một trong những chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, ngành có liên quan.

Với mạng lưới gần 8.400 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) phủ kín khắp các thôn, xóm trong toàn tỉnh cùng hơn 470 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn,  NHCSXH tỉnh Nghệ An đã tập trung vào những hoạt động tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Sau 14 năm hoạt động, tổng dư nợ của 15 chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH tỉnh Nghệ An đang triển khai thực hiện đạt 6.536 tỷ đồng với 270.000 hộ đang vay vốn. Nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng thu hút, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động; trên 540.000 lượt học sinh - sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập; xây dựng hơn 128.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây mới và sửa chữa gần 26.388 căn nhà cho hộ nghèo và 1.264 hộ gia đình được vay làm chòi, nhà ở phòng tránh bão, lụt... Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến hết năm 2015 chỉ còn khoảng 8%, vượt so với mục tiêu đề ra là 10%.

Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết hộ nghèo ở các xã Diễn Hải, Diễn Vạn, Diễn Kim thuộc huyện Diễn Châu được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất kinh doanh, cho biết: “Cứ đúng hẹn, vào ngày 12 hằng tháng, bất kể thời tiết khắc nghiệt hay ngày nghỉ, bà con chúng tôi đều có mặt tại trụ sở xã thực hiện việc đóng lãi, nộp tiền tiết kiệm, gặp nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất và được nghe cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn cách thức vay vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả. Nhờ có vốn vay ưu đãi mà các con tôi được theo học đầy đủ, gia đình có vốn chăn nuôi trâu - bò, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Qua chứng kiến hoạt động tại các điểm giao dịch, nghe báo cáo của tổ giao dịch lưu động, kiểm tra quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam ­Dương Quyết Thắng ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH huyện Diễn Châu trong việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Những nỗ lực đó đã góp phần thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Ông Thắng cũng động viên bà con tiếp tục sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn chính sách để thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.

Đẩy mạnh huy động tiết kiệm trong dân cư

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, cùng với các đơn vị trong hệ thống, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh triển khai hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã cho toàn bộ cộng đồng dân cư.

Đoàn công tác của NHCSXH do Phó tổng giám đốc Võ Minh Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn về hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian qua.

Với mức gửi từ 500.000 đồng trở lên, bà con sẽ nhận được mức lãi suất tiền gửi tương đương như các ngân hàng thương mại. Vừa hoàn thành xong các thủ tục gửi tiết kiệm với số tiền 10 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng tại Điểm giao dịch NHCSXH xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia, chị Lê Thị Hoa chia sẻ: “Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên các khoản thu nhập không nhiều. Tuy nhiên, hàng tháng tôi luôn cố gắng dành dụm chi tiêu để tiết kiệm nhưng vì địa bàn ở xa trung tâm nên chưa bao giờ đến ngân hàng gửi tiết kiệm. Nay có dịch vụ gửi tiền tiết kiệm ngay tại xã của NHCSXH như thế này thì tiện cho chúng tôi quá. Từ nay tôi sẽ cố gắng dành dụm để gửi tiết kiệm ở NHCSXH, sang năm có thêm khoản tiền sửa chữa nhà cửa”.

Hiện, mô hình gửi tiền tiết kiệm đã được triển khai tại 635/635 điểm giao dịch xã và nhận được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc tận dụng mạng lưới rộng khắp tại các điểm giao dịch xã hiện nay của NHCSXH và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của đơn vị có ý nghĩa xã hội rất lớn. Thông qua dịch vụ tiết kiệm tín dụng này không chỉ huy động sự đóng góp của cộng đồng trong thực hiện chương trình giảm nghèo mà còn góp phần phổ cập dịch vụ tài chính đến những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Qua lắng nghe ý kiến của người dân về hoạt động gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch NHCSXH huyện Tĩnh Gia, Phó tổng giám đốc Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Để chủ động và linh hoạt nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách, thời gian tới, các đơn vị trong Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đôn đốc các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai chương trình gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã nhằm huy động tối đa nguồn lực, sự chung tay, góp sức của cộng đồng với công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương.

Nguồn lực quan trọng giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo

Với Bắc Kạn, kết quả tín dụng chính sách thể hiện rõ trong công tác phối hợp với chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể đưa vốn đến với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt đối với đồng bào DTTS là vấn đề mà bất cứ tổ chức tín dụng nào đều quan tâm, lo lắng.

Nhận thức được điều đó, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với các ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng đến với người dân. Không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV. Hiện, chi nhánh đã thành lập được 1.640 Tổ TK&VV để người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi. Đây thật sự là những “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với các hộ nghèo và là đội ngũ góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo đơn vị cấp huyện thực hiện nghiêm túc giao dịch đến tận xã mỗi tháng một lần vào ngày cố định để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện vay vốn và trả lãi. Đến nay, dư nợ các nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh đạt 1.255 tỷ đồng, dư nợ bình quân 25,6 triệu đồng/hộ. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,39%.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới): Nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp và ổn định, thời hạn cho vay tương đối dài kết hợp với sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ,... là những yếu tố quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu, thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Qua kiểm tra hoạt động Điểm giao dịch của NHCSXH tại  Hòa Mục và Tân Sơn (huyện Chợ Mới); trực tiếp tham gia buổi họp giao ban của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH huyện với Ban giảm nghèo cấp xã, các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ TK&VV, Phó tổng giám đốc Võ Minh Hiệp đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ NHCSXH tỉnh Bắc Kạn nói chung, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Mới nói riêng cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong việc quản lý và chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo một cách an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó góp phần tích cực thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2016, ông Hiệp yêu cầu các đơn vị trong Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đơn vị; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban giảm nghèo các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt việc giải ngân cho vay, huy động tiền gửi, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; tích cực đôn đốc, xử lý thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng...

Phương Trang

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top