Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2017 | 2:21

Nhờ củng cố chất lượng tín dụng: Nợ quá hạn của NHCSXH ở mức thấp

Tính đến 30/4/2017, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ; 52 chi nhánh luôn duy trì nợ quá hạn dưới 0,5% tổng dư nợ; 3.736 xã (chiếm 33% tổng số xã trên toàn quốc) hoàn toàn không có nợ quá hạn tại NHCSXH.

NHCSXH đảm bảo nguồn vốn cho bà con với chất lượng tín dụng cao.

Sự phối hợp tốt của NHCSXH với các cấp ủy, chính quyền, ban ngành liên quan và các tổ chức chính trị xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) cùng những nỗ lực của cán bộ trên toàn hệ thống đã giúp NHCSXH luôn giữ được tỷ lệ nợ quá hạn thấp trong những năm qua. Tính đến 30/4/2017, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ.

Trong số 63 chi nhánh tỉnh, 629 phòng giao dịch huyện của NHCSXH, có 7 chi nhánh đạt được tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%, 52 chi nhánh ở mức nợ quá hạn dưới 0,5% tổng dư nợ. Đặc biệt, có 17 huyện và 3.736 xã (chiếm 33% tổng số xã trên toàn quốc) hoàn toàn không có nợ quá hạn tại NHCSXH.

Gia Lâm (Hà Nội): Không có nợ quá hạn

Theo chia sẻ của Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm, Đặng Văn Lâm, cho vay ưu đãi thành công là nhờ đặt yếu tố gần gũi người dân, bám sát cơ sở lên hàng đầu. “Chúng tôi phải thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn Tổ TK&VV, đưa hoạt động của tổ đi vào nề nếp, rà soát để cho vay vốn đúng đối tượng. Hộ vay phải có phương án sản xuất kinh doanh (SKKD) khả quan và với cho vay giải quyết việc làm thì phải có nhân lực thực sự tốt”, ông Lâm nói.

Ngoài việc làm tốt việc thu nợ gốc khi đến hạn cuối cùng, NHCSXH còn phải thường xuyên phân tích, đánh giá thực trạng và khả năng thu hồi các khoản đã cho vay để có giải pháp thu hồi và xử lý cho phù hợp. Ví dụ như: Đôn đốc việc thu hồi nợ gốc theo phân kỳ (kỳ con) để tạo thói quen cho hộ vay có ý thức trả dần, giảm áp lực trả nợ khi đến hạn. Số vốn thu được sẽ sử dụng cho vay quay vòng ngay trong xã đó (trừ trường hợp không có nhu cầu vay), hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh.

Bên cạnh đó, NHCSXH Gia Lâm cũng thường xuyên phối hợp với các ban ngành liên quan của huyện, lồng ghép giữa hoạt động cho vay vốn với các chương trình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến các hộ được vay vốn. 

Hoạt động của Tổ TK&VV - cánh tay nối dài của NHCSXH cũng là hình thức giúp gắn kết tính cộng đồng ở các tổ, thôn, vừa là nơi các hộ cùng nhau tìm hiểu về các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp, vừa là nơi giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng vốn vay hiệu quả. Ban quản lý Tổ TK&VV thường xuyên nhắc nhở người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, đồng thời trực tiếp đối chiếu nợ vay của NHCSXH với người vay để phát hiện sai sót; thông báo nợ đến hạn trước 03 tháng cho hộ vay để chuẩn bị tiền trả nợ ngân hàng. Làm tốt công tác thu tiền gửi của tổ viên, động viên người vay thực hành tiết kiệm, tạo nguồn vốn tự có để hỗ trợ trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn.

Một ví dụ về vay vốn phát triển sản xuất có thể kể đến là xã Yên Viên. Từ việc tìm ra thổ nhưỡng  phù hợp với cây măng tây và cho giá trị kinh tế cao, nhiều người dân nơi đây đã mạnh dạn vay NHCSXH để trồng loại cây này. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Kim Quan, xã Yên Viên chia sẻ, tổ của bà có 29 hộ thì đa số đều trồng cây măng tây. Bản thân bà Yến cũng đã vay 20 triệu đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH để trồng 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) măng tây và chăn nuôi lợn. Theo bà Yến, ngoài trồng măng tây thì các hộ còn có thể trồng xen các loại rau như su hào, bắp cải… để cung cấp rau củ cho nội thành Hà Nội nên thu nhập khá tốt.

Kinh nghiệm xử lý nợ quá hạn của huyện đảo Lý Sơn

Nằm về hướng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có tổng diện tích 10km2, dân số 22.000 người, trong đó 40% dân số theo nghề khai thác hải sản, 35% dân số làm nghề nông nghiệp (chủ yếu là trồng hành, tỏi) và 25% làm nghề dịch vụ, thương mại.

Với việc đẩy mạnh giải ngân vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, trong những năm qua, NHCSXH Chi nhánh Lý Sơn đã giải quyết được nhu cầu về vốn cho hàng nghìn lượt hộ dân trên địa bàn, tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nguồn vốn đầu tư của ngân hàng đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện Lý Sơn giảm từ 26,6% (năm 2010) xuống còn 12,9% (năm 2016).

Chia sẻ về việc dù cuộc sống người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, thiếu cả nguồn nước sinh hoạt nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, không có nợ quá hạn với ngân hàng, Giám đốc NHCSXH huyện Lý Sơn cho biết: “NHCSXH huyện đã tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư đúng nhu cầu để tránh lãng phí nguồn vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và đặc biệt là các hội đoàn thể thường xuyên xuống khảo sát ở cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn”.

Việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các tổ chức hội, đoàn thể của NHCSXH không chỉ giúp thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Các cấp hội đoàn thể trên địa bàn đều đảm bảo triển khai chặt chẽ quy trình cho vay tín dụng như xét đúng đối tượng, giải ngân nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời phối hợp với ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân áp dụng phát triển kinh tế. Nhờ thực hiện nghiêm túc các quy trình nên nguồn vốn ủy thác qua các hội, đoàn thể luôn đáp ứng được đúng đối tượng, mục đích, đảm bảo chất lượng tín dụng. Người dân tham gia cũng gắn kết hơn với hoạt động của từng hội, đoàn thể.

Từ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều gia đình trên đảo đã thoát được cảnh nghèo. Điển hình như hộ anh Lê Văn Quang ở xã An Bình, trước kia là ngư dân nghèo, được sự trợ giúp của NHCSXH huyện Lý Sơn, gia đình được vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo để mua ngư cụ đánh cá, câu mực gần bờ, đồng thời được vay vốn chương trình học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cho 2 con học đại học. Nhờ thu nhập từ việc đánh bắt cá, gia đình anh đã có thể trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, các con ra trường có việc làm cũng phụ giúp thêm, đến năm 2015, gia đình anh đã không còn trong diện hộ nghèo.

Huyện Gia Lâm và huyện đảo Lý Sơn chỉ là 2 trong số nhiều địa phương không có nợ quá hạn, NHCSXH hiện đang nỗ lực để ngày càng có nhiều địa phương ít nợ quá hạn hơn. Củng cố chất lượng tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đi sâu sát cùng với công việc sản xuất kinh doanh của người dân vay vốn là những nhiệm vụ luôn được NHCSXH đặt lên hàng đầu song song với công tác đảm bảo đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Phương Mai

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top