Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 12 năm 2017 | 2:12

Nhờ vốn vay ưu đãi, Lạng Sơn giảm 3% hộ nghèo/năm

Sau 15 năm hoạt động, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vốn vay ưu đãi đã thực sự là động lực góp phần đáng kể trong chương trình giảm nghèo, ổn định xã hội, giữ vững an ninh trên địa bàn. Nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội được ủy thác qua các cấp hội, đoàn thể, sự giám sát của các ban, ngành đã giúp gần 34.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 3%/năm; tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động; gần 20.000 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học…

Tính đến tháng 11/2017, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 75.501 hộ còn dư nợ với tổng dư nợ 2.544,9 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt 396,6 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 52,7 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ, giải quyết việc làm đạt 72,9 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 574,5 tỷ đồng. 

Một buổi giao dịch cho vay tại Điểm giao dịch xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng.

Nhờ vốn vay 30 triệu chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình anh Hoàng Văn Điện, dân tộc Tày, ở thôn Phai Đeng, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng có điều kiện chăm sóc, khai thác hoa hồi, tăng thu nhập.

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng có điều kiện chăm sóc, thu hoạch hoa hồi.

Gia đình anh Lường Văn Sơn, dân tộc Tày ở thôn Khòn Cháo, (Sàn Viên - Lộc Bình) vay vốn chương trình hộ cận nghèo đầu tư chăn nuôi trâu, khai thác nhựa thông, cuộc sống gia đình từng bước được nâng cao.

Gia đình bà Đặng Thị Chút, ông Đào Văn Thành ở thị trấn Nông trường, huyện Đình Lập, vay vốn ưu đãi đầu tư cải tạo vườn đồi trồng chè, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ vốn vay 50 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình chị Đặng Thị Ngân ở xã Đình Lập, huyện Đình Lập đầu tư nuôi dê quy mô lớn, mỗi năm bán hàng chục con.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Lý Thị Yến, dân tộc Tày, ở thôn Nà Múc (Tân Thành - Cao Lộc) có điều kiện chăn nuôi lợn rừng quy mô lớn, mỗi năm xuất bán hàng trăm con.

Nhờ vốn vay giải quyết việc làm, gia đình anh Ngô Gia Tự, chị Hoàng Thị Ngân, ở khu 2, thị trấn Nông Trường, huyện Đình Lập có điều kiện chăm sóc, khai thác 2ha rừng thông lấy nhựa, cuộc sống gia đình nâng lên và có việc làm ổn định.

Gia đình anh Vi Văn Thuận ở thôn Phai Sác (Xuân Long - Cao Lộc) vay 30 triệu đồng chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đầu tư cải tạo vườn đồi trồng cam, quýt cho hiệu quả kinh tế cao.

   Trần Việt

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top