Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 3 năm 2021 | 11:9

Những bước đi để sản xuất, xuất khẩu gỗ của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường

Trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2.441 triệu USD.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ lớn và có uy tín của thế giới.

Xuất khẩu tăng 51%

Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, sự phát triển của ngành gỗ có nhiều khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành gỗ giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 3,4%/năm, trong đó năm 2017 tăng 4,6%; năm 2018 tăng 4%; năm 2019 tăng  10,3% (năm 2020 giảm 4,6%).

 

t12.JPG
Trong 2 tháng đầu 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2.441 triệu USD.

 

Đầu năm 2021, ngành gỗ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12.372 triệu USD, chiếm 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng gỗ khai thác đạt 1,85 triệu m3, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác và thu nhặt đạt 2,73 triệu ste. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ động trên 70% nguồn nguyên liệu đầu vào, từng bước giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua, theo Tổng cục Thống kê, có đóng góp lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật kinh doanh trong nước, cùng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được ký kết. Với những kết quả trên, hiện Việt Nam là trung tâm chế biến gỗ của châu Á.

Điểm sáng Tuyên Quang

Tuyên Quang xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những khâu đột phá để trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Vì vậy, Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều cơ chế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, như hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng; thực hiện cơ chế liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, mở rộng vùng nguyên liệu; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Tuyên Quang đã trồng được hơn 55.400ha rừng sản xuất tập trung, tạo vùng rừng gỗ nguyên liệu giấy đạt 132.000ha, diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn gần 69.900ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 35.800ha.

Sản lượng khai thác gỗ đạt 4,2 triệu m3, bình quân khai thác 844.000 m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng. Hiện, tỉnh có 8 nhà máy chế biến gỗ, giấy và bột giấy đang hoạt động như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 1,3 triệu m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang công suất 680.000 m3/năm... Các sản phẩm gỗ rừng trồng đã được xuất khẩu sang nhiều nước.

Trong Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035, Tuyên Quang phấn đấu có ít nhất 75% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (Chứng nhận bảo vệ rừng); năng suất rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt 170 m3/ha/chu kỳ… và trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết, phấn đấu mỗi năm trồng trên 11.000ha rừng, quyết tâm để Tuyên Quang luôn giữ vững là một trong những địa phương có độ che phủ rừng và diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cao nhất cả nước. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu trồng 70 triệu cây xanh.

Việt Nam thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu gỗ

Cuối tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” và tham gia Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 tại Tuyên Quang.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành hỗ trợ Tuyên Quang triển khai các chương trình, dự án đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống cây trồng rừng mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong thâm canh rừng trồng, chế biến gỗ. Phải gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống và xây dựng nông thôn mới. Phải làm sao người dân làm giàu từ rừng và Tuyên Quang trở thành địa phương điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của nước ta.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành giáo dục cả nước tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên ý thức trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, “Vì một Việt Nam xanh”.

Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, sẽ có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung.

Đề án không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà còn xanh hóa khu vực đô thị và nông thôn Việt Nam. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường bền vững của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững. Chính phủ đang cùng các địa phương trên cả nước tích cực bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42% và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2021 đạt ít nhất 14 tỷ USD (năm 2025 phấn đấu đạt 20 tỷ USD), dần đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top