Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 12 năm 2015 | 10:12

Xuất khẩu gỗ vào EU: Chớ coi nhẹ rủi ro nguồn nguyên liệu

Một số sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào EU chưa được khai báo về nguồn gốc, chủng loại gỗ là những rủi ro đáng phải được lưu tâm.

Gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng quan trọng nhất trong thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hiện Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm gỗ sang EU. 

Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang EU đạt 703 triệu USD. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU đạt gần 442 triệu USD.

Theo ông Tô Xuân Phúc (Chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends), tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU giai đoạn 2012-2014 bình quân đạt 2,2%/năm. Nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sử dụng trong các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU chủ yếu là gỗ rừng trồng trong nước như keo, bạch đàn và từ nguồn gỗ nhập khẩu như sồi, thông…

Tồn tại rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu

Đại diện Tổ chức Forest Trends, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đưa ra được những cơ chế chính sách chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào EU là hợp pháp - theo Quy chế gỗ của châu Âu (gọi tắt là EUTR - có hiệu lực từ tháng 3/2013), nhưng hiện vẫn tồn tại một số sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào EU vẫn chưa được khai báo về chủng loại gỗ.

“Đây là những khó khăn và rủi ro mà các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam phải đối mặt khi có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Báo cáo Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam - EU cho thấy, nhìn chung các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU đáp ứng được các yêu cầu và quy định của thị trường EU ở mức cao. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào chưa rõ nguồn gốc, một số sản phẩm xuất khẩu chưa được khai báo nguồn gốc và chủng loại gỗ”, ông Phúc cho biết.

xuat khau go vao eu: cho coi nhe rui ro nguon nguyen lieu hinh 0
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang EU từ 2012-2014.
(Nguồn: Forest Trends)
Theo phân tích của ông Phúc, hầu hết nguồn cung gỗ từ các hộ trồng rừng và công ty lâm nghiệp được coi là nguồn gỗ đảm bảo tính hợp pháp cao. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn khoảng 30% số hộ gia đình được nhận đất vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất. Nhiều công ty lâm nghiệp cũng ở tình trạng tương tự. Thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất đồng nghĩa với việc thiếu cơ sở pháp lý chứng nhận tính hợp pháp của hộ trồng rừng cũng như của doanh nghiệp đối với nguồn gỗ rừng trồng của mình.

Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp đất rừng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, với nguyên nhân có liên quan trực tiếp đến các yếu tố lịch sử về sử dụng đất và quá trình thực hiện giao cấp đất. Tranh chấp đất đai chủ yếu xảy ra giữa người dân và các công ty lâm nghiệp, giữa người dân và chính quyền địa phương, và giữa người dân với nhau. Trong khi đó, gỗ trồng trên đất tranh chấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu.

Hơn nữa, hiện nguồn cung gỗ cao su trong nước từ các vườn cao su thanh lý ngày càng cao, có tiềm năng là nguồn cung quan trọng cho chế biến, bao gồm cả chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng pháp lý đối với một số nguồn gỗ cao su không rõ ràng, bởi một số diện tích cao su trước đây được trồng trên diện tích đất rừng tự nhiên chuyển đổi. Cho đến nay, hiện chưa có thông tin chính xác về lượng gỗ cao su có nguồn gốc từ rừng chuyển đổi được sử dụng làm nguyên liệu trong các sản phẩm xuất khẩu. 

“Mặc dù các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu tồn tại ở mức thấp, nhưng các rủi ro này là hiện hữu và có liên quan trực tiếp đến sự sống còn của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Giảm thiểu hoặc loại bỏ rủi ro không phải là chỉ là trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp, mà còn là của toàn ngành, trong đó có vai trò rất lớn của các Hiệp hội gỗ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý”, ông Phúc chỉ rõ.

Tăng tính pháp lý ngay trong giao đất trồng rừng

Nhằm giảm thiểu rủi ro trong thương mại song phương Việt Nam - EU, đặc biệt là các rủi ro có liên quan đến tính pháp lý của nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, ông Hoàng Liên Sơn, Trung tâm nghiên cứu khoa học lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu gỗ cần phải được nhà nước tạo điều kiện tốt nhất trong thương mại với thị trường EU.

“Những rủi ro hiện nay các doanh nghiệp ngành sản xuất và chế biến gỗ gặp phải tập trung vào vấn đề kỹ thuật cũng như nguồn nguyên liệu. Đối với những vấn đề về đất đai, chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là tranh chấp đất luôn có thể xảy ra vì mục tiêu sử dụng đất cũng như có hay không được phép sử dụng đất. Những tranh chấp này cần phải làm được làm rõ”, ông Sơn cho biết.

xuat khau go vao eu: cho coi nhe rui ro nguon nguyen lieu hinh 1
Giảm thiểu các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu giúp ngành gỗ duy trì và phát triển tại EU và nhiều thị trường khác. (Ảnh minh họa: KT)
Trong khi đó, ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ sản xuất lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định, Tổng cục Lâm nghiệp xác định mục tiêu phát triển đa dạng rừng bền vững, tuy nhiên cũng cần phát triển sự tự giác về quản lý rừng, điều này sẽ tạo uy tín cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ có nguồn gốc rõ ràng và minh bạch.

“Hiện Chính phủ đang triển khai quản lý rừng bền vững và từng bước cấp chứng chỉ rừng, tiến tới đến năm 2016 sẽ công bố Chứng chỉ rừng Quốc gia, đảm bảo sự hài hòa theo các tiêu chuẩn và quy định của quốc tế. Với các tiêu chí quản lý rừng bền vững, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu vào EU sẽ đảm bảo tính minh bạch, sản phẩm gỗ xuất khẩu có logo chứng thực sẽ chứng tỏ được uy tín, cũng như giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu”, ông Bách chỉ rõ.

Một lần nữa, đại diện Tổ chức Forest Trends khuyến cáo, các doanh nghiệp hiện đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU và các doanh nghiệp gỗ nói chung cần tăng cường trách nhiệm giải trình, đặc biệt trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào.

Cho rằng việc giảm thiểu các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu có vai trò tối quan trọng trong thương mại song phương giữa Việt Nam và EU, Chính phủ và các hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng trong vẫn đề này. Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, loại bỏ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào không rõ nguồn gốc.

“Chính phủ và hiệp hội gỗ cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch của sản phẩm xuất khẩu, thông qua việc khai báo nguồn gốc và tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó Chính phủ và các hiệp hội  gỗ cần đóng vai trò là nguồn cung cấp các thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp về các yêu cầu từ thị trường EU cũng như về các quy định của Chính phủ Việt Nam có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm”, ông Tô Xuân Phúc một lần nữa đề xuất.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc giảm thiểu các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu không những giúp cho ngành gỗ duy trì thị trường EU như hiện nay, Mf còn còn giúp ngành gỗ mở rộng thị trường, trực tiếp góp phần vào phát triền bền vững trong tương lai./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top