Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 1 năm 2019 | 14:58

Những đoàn viên xông xáo trên đồng ruộng Bắc Ninh

Năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết và không quên chăm lo cho thanh, thiếu niên, nhi đồng là những gì chúng tôi ghi nhận được trong buổi làm việc cuối năm với  Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Ninh.

img_4104.JPG
Cán bộ Tỉnh đoàn Bắc Ninh (phải) thăm vườn cà rốt của gia đình anh Dương.  

 

Đáng “nể” vì thu nhập “khủng”

Đến huyện Lương Tài vào những ngày cuối cùng của năm 2018, thời tiết mùa đông lạnh buốt, người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Dương, Bí thư Chi đoàn thôn Hương Trai, xã Minh Tâm. Qua trò chuyện, anh cho biết, vài năm trước, anh và các bạn trong thôn thường đi làm thợ xây dựng, tiền công khá cao, 300.000 đồng/ngày. Song, đây chỉ là công việc tạm thời khi còn trai trẻ, sau khi lập gia đình, cần phải có công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Rất may, năm 2014, xã có chủ trương dồn đổi ruộng đất, thoạt đầu, cứ tưởng đây là công việc đơn giản, nhưng thực tế không hề như vậy. Do ai cũng muốn nhận phần đất tốt, dễ canh tác, thuận tiện đường giao thông, vùng đồng trũng, chiêm khê, mùa thối không ai quan tâm. Xét thấy mình là Bí thư Chi đoàn thôn, phải gương mẫu trong mọi công việc, anh Dương  vận động bố mẹ, anh chị em trong gia đình cùng nhận phần đất ở khu vực hoang hóa, chỉ có cỏ và cây điền thanh để canh tác và quản lý.

Buổi đầu, đến khu đồng hoang, nơi sâu trũng, chỗ nổi thành gò, anh rất lo và thiếu tự tin, vì không biết sẽ trồng và nuôi con gì ở đây cho có hiệu quả. Nhưng trước hết, phải thuê nhân công và máy móc để san ủi, chỗ trũng thì đào sâu thêm và đắp bờ thành ao; nơi cao gồ ghề phải san  bằng phẳng. Tiếp đến, anh mua 50 xe ô tô đất màu (mỗi xe 4m3), để nâng mặt ruộng lên 1,5m. Như vậy, phải mất hơn 1 tháng, anh Dương mới cải tạo xong cánh đồng hoang, bao gồm: ao cá, khu nuôi gà trên 7 sào và 2 mẫu đất bằng phẳng để trồng cà rốt xuất khẩu như ngày nay. Bạn bè, bà con thôn xóm ai cũng thán phục và trầm trồ khen ngợi.

“Hiện, nông trại đã cho thu nhập ổn định, gồm gà ta thả vườn: 500 con/lứa (2 lứa/năm), giá bán tại vườn 80.000 đồng/kg. Ao nuôi cá truyền thống trên 100 triệu đồng/năm; 2 mẫu cà rốt, bình quân 8 triệu đồng/sào, thu về 170 - 200 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập toàn trang trại đạt 350 - 400 triệu đồng/năm, chủ yếu do 2 vợ chồng chăm sóc. Mặt khác, cà rốt thời gian trồng, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12, nên tôi tiếp tục trồng dưa hấu vụ hè, gặp năm được mùa, có thể đạt 50 triệu đồng/vụ. Chị xem, khu đầm hoang này, giờ đây mọi người trong xã không ai ngờ được, trước đây chỉ trồng 1 vụ lúa bấp bênh, lại có thể cho thu nhập như vậy”, anh Dương chia sẻ.

Ngoài ra, anh Dương  còn tham gia công tác xã hội, vào những dịp hè, anh  tổ chức sinh hoạt cho các em thiếu nhi, tập nghi thức Đội, sinh hoạt văn nghệ, có lịch phân công từng tuần cụ thể. Giúp các em có chỗ vui chơi, sinh hoạt hè bổ ích, vì đây chính là những đoàn viên, thanh niên tương lai của thôn, xã. Hoặc đến kỳ thu hoạch cà rốt cao điểm, để kịp cho các đơn vị thu mua xuất khẩu, tỉnh Đoàn gửi một số sinh viên trẻ để hỗ trợ anh và học hỏi làm quen với đồng ruộng. 

Một gương mặt đoàn viên đáng “nể” nữa mà chúng tôi gặp là anh Phan Văn Hiếu, 27 tuổi, ở xã Trung Kênh. Anh cho biết: Trong khi các bạn cùng trang lứa thoát ly khỏi quê nhà, thì tôi lại chọn con đường kế tiếp nghề truyền thống gia đình, ấp nở giống vịt cánh trắng, vịt bầu lai.

Buổi đầu, anh Hiếu cũng có chút băn khoăn, vì muốn ra ngoài thử sức như các bạn cùng trang lứa. Song, sau khi nghĩ kỹ, thấy bố mẹ đã già yếu, nghề ấp con giống của gia đình đang rộng mở, thiếu người tâm huyết kế thừa, phát huy, vậy là anh quyết tâm ở lại, tham gia quản lý trang trại cùng bố mẹ.

Các loại vịt lai của anh Hiếu có trọng lượng 2,8-3,0kg/con, giá bán 300.000 đồng/con; trứng ấp 5.000đồng/quả. Đàn vịt giống trên 1.000 con, bình quân mỗi tháng có 2 vạn vịt con, giá bán 7.000- 10.000 đồng/con; ngoài ra anh còn nuôi vịt đẻ trứng thương phẩm, bán giá 2.700 -3.000 đồng/quả.

Anh vừa làm, vừa tham gia các lớp tập huấn của khuyến nông; theo học các lớp thú y và học tập kinh nghiệm từ bố mẹ. Hiện, anh Hiếu là chủ trang trại làm ăn hiệu quả khi tuổi còn khá trẻ với thu nhập “khủng” 30- 40 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí).

Việc thường ngày phải làm

Không chỉ cống hiến trên đồng ruộng, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Bắc Ninh còn xây dựng nhiều công trình ý nghĩa  trong năm 2018, như: Bàn giao trên 33,3km đường điện trong phong trào “Thắp sáng đường quê”; 2 công trình mái ấm thanh niên. Vận động 1.600 ĐVTN, nhân dân tham gia Chương trình Chủ nhật đỏ,  thu được 605 đơn vị máu, được đánh giá là 1 trong những đơn vị tiêu biểu toàn quốc năm 2018.

Cũng trong năm, toàn tỉnh Bắc Ninh đã trồng và chăm sóc trên 120.050 cây xanh các loại. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 3.100 đối tượng là người già, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình chính sách.    

Đáng ghi nhận là phong trào “Tuổi trẻ chung tay làm sạch ruộng đồng”, tiếp tục được ĐVTN trong tỉnh đẩy mạnh. Các đội tình nguyện đã khơi thông 72,6km kênh mương nội đồng; thu gom trên 65,3m3 rác thải; bắt 960kg ốc bươi vàng. Xây dựng trên 50 điểm tập kết rác thải ruộng đồng bằng trụ bê tông tại ruộng. Ngày đầu tiên trong Tháng Thanh niên (1/3/2018), trên 600 ĐVTN tham gia trồng 250 cây sao đen tại TX. Từ Sơn. Tư vấn, hỗ trợ việc làm cho trên 10.000 thanh niên; xây dựng 1 công trình cấp tỉnh, 18 công trình cấp huyện, 109 công trình cấp xã, với kinh phí 935 triệu đồng. Xây dựng 3 điểm vui chơi cho thanh, thiếu nhi, trị giá trên 70 triệu đồng.   

Năm 2018, đã có 80% tổ chức đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng được 1 mô hình: “Giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên chậm tiến”. Kết quả, 37/126 đơn vị có giải pháp tốt, với 74 thanh niên được hỗ trợ. Trong Chiến dịch Mùa hè xanh, đã thành lập 125 đội tình nguyện, trên 26.000 lượt ĐVTN tham gia xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Kết quả, đã trồng 1.000 cây xanh; vớt bèo khơi thông dòng chảy hơn 5km, phục vụ tưới tiêu nội đồng; dọn vệ sinh, tu sửa 117 nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm. Thăm hỏi, tặng 540 suất quà, trị giá 162 triệu đồng cho gia đình chính sách.   

Tuy nhiên,  điểm nhấn trong năm qua của Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Ninh là đã được phê duyệt “Đề án Hỗ trợ Thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Tổng kết cuộc thi “Ý tưởng thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp”, tại vòng sơ khảo, có 29 mô hình, với nhiều ý tưởng độc đáo. Ban giám khảo đã chọn được 11 ý tưởng vào vòng chung khảo, đoàn viên Lê Thị Nga đoạt giải Nhất với Dự án Ứng dụng vận tải thông minh.

Chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng

Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng của Đoàn Thanh niên Bắc Ninh. Năm qua, tỉnh Đoàn đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em công nhân khu công nghiệp, nhà trọ, thiếu nhi Trung tâm Bảo trợ trẻ em, hoặc con em cán bộ, chiến sỹ đang công tác ở biên giới, hải đảo; thành lập Ban chỉ đạo hè cho thiếu niên, nhi đồng tại xã, phường, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thu hút trên 3.000 em tham gia.

Ngoài ra, còn tặng 230 suất quà, trị giá 83,5 triệu đồng, 1.100 quyển vở, 1.700 bộ quần áo mới; biểu dương thiếu nhi trong phong trào làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Phối hợp với Công ty TNHH Canon Việt Nam trao tặng 130 chiếc xe đạp, trị giá 160 triệu đồng, cho 10 học sinh tại 2 huyện Gia Bình và Tiên Du. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phong trào “Nghìn việc tốt”, đã có 55 dũng sỹ  được tuyên dương. Tổ chức tốt Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ VIII năm 2018; Hội thi Nghi thức Đội và Chỉ huy Đội giỏi năm học 2017-2018. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách Đội trên địa bàn dân cư dịp hè 2018.

Triển khai nhiệm vụ công tác Đội và thiếu nhi trường học năm học 2018-2019; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ Tổng phụ trách Đội. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh cùng tổ chức Lễ hội Trăng Rằm 2018 với chủ đề “Vầng trăng ước mơ”. Tại đêm hội, Ban tổ chức đã trao tặng 80 suất quà cho 80 em vượt khó trong học tập. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn xây dựng và khánh thành 18 khu vui chơi cho thiếu nhi trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, các đơn vị cơ sở đã hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em,  từ 01- 30/6/2018, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Theo đó, Đoàn đã  thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hỗ trợ, can thiệp, xử lý các hành động  bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư tỉnh Đoàn Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chinh, cho biết: “Từ kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi năm 2018, có thể thấy, Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bắc Ninh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2020, đã từng bước đi vào thực tiễn và được triển khai sâu rộng, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi có bước phát triển mới, hệ thống tổ chức Đoàn từ tỉnh đến cơ sở sau Đại hội Đoàn được củng cố, tập hợp được ĐVTN tham gia.

Công tác giáo dục của Đoàn đã tác động nhiều mặt tới thanh niên, khơi dậy tính tích cực, tinh thần xung kích, tình nguyện của ĐVTN. Hoạt động Đoàn, Hội, Đội có nhiều điểm mới, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của tuổi trẻ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục ĐVTN được đổi mới, đa dạng, phong phú, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 04 BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh...”.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top