Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2016 | 2:13

Nông dân Đạ Ròn làm giàu từ vốn chính sách

Về xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng), đi đến đâu chúng tôi cũng nghe được tâm sự chung của bà con, đó là: nhờ đồng vốn tín dụng chính sách (TDCS) mà đời sống được nâng lên.

Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều nông dân Đạ Ròn đã thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Văn Việt

Bà Ka Sel (thôn 2) năm nay 60 tuổi, chỉ ở nhà trông cháu và làm thuê. Gia đình bà được vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH để  mua một con bê. Điều đáng nói là, mặc dù bà Ka Sel đứng ra vay tiền nhưng 6 người con của bà đều góp tiền tiết kiệm chung gửi vào NHCSXH mỗi tháng 2 triệu đồng để trả lãi và tích góp sau này trả nợ gốc. Hiện nay, cả gia đình đang có 3 con bò và 2 con bê. Bà Ka Sel chia sẻ, ban đầu gia đình rất khó khăn, không có đất sản xuất. Có được vốn vay từ NHCSXH, bà và các con thống nhất tích góp trả nợ thông qua chương trình tiết kiệm của ngân hàng.

Khác với gia đình bà Ka Sel, ông Lê Văn Khanh (49 tuổi, thôn Suối Thông B) chỉ có hai người con. Từ Đầm Ròn chuyển về, là thương binh, được vay vốn thông qua Hội Cựu chiến binh, ông mua đất và một con bò sữa. Từ tiền bán sữa và tích lũy, ông mua thêm bò, thêm đất… Sau 4-5 năm chăm chỉ làm ăn, gia đình ông Khanh vừa xây xong căn nhà hai tầng khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng và đang sở hữu 7 sào đất, cùng hơn 10 con bò sữa và vài chục con heo. Mỗi ngày, riêng tiền bán sữa, gia đình ông cũng có thu từ 1,2 -1,5 triệu đồng.

Còn ông Trần Nam Phi (ở thôn Suối Thông B) hiện có 2ha chuối, cứ 10 ngày thu hoạch được khoảng 3 tấn, với giá 9.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình cũng có ít nhất 70-80 triệu đồng. Từ hộ cận nghèo, thông qua Hội Nông dân xã, ông vay vốn trồng 3 sào rau, rồi mua thêm đất chuyển sang trồng chuối từ 4 năm nay.

Ông Phi tâm sự: “Nhờ may mắn tiếp cận nguồn vốn TDCS và cố gắng làm lụng, tích lũy, dù con cái đều đang đi học, nhưng gia đình đã thoát nghèo 4 năm rồi”. Hiện, ông Phi đang là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Suối Thông B, với dư nợ 800 triệu đồng và tiết kiệm 12 triệu đồng, không có nợ quá hạn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn, cho biết thêm: Hội Nông dân xã đang quản lý hơn 12 tỷ đồng vốn TDCS, tạo điều kiện cho 490 hộ vay (319 hộ đồng bào dân tộc thiểu số - DTTS). Bà con đều sử dụng vốn đúng mục đích, với thế mạnh của địa phương là sản xuất rau thương phẩm và chăn nuôi bò sữa (hộ người Kinh), hoặc trồng cà phê và nuôi bò thịt (bà con DTTS). Sự cố gắng và trách nhiệm của mỗi gia đình không những giúp họ thoát nghèo mà nhiều gia đình đã giàu lên, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Xã Đạ Ròn đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 5/2015. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, số hộ nghèo đã giảm từ 12,18% xuống còn 3,65%. Theo ông Bùi Ngọc Cận, Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn: Tác dụng giảm nghèo nhanh và bền vững là nhờ các chương trình 30a, 135, đặc biệt là các chương trình TDCS. Thấy rõ nhất là trong vùng đồng bào DTTS, hộ nghèo giảm từ 31,9% (năm 2010) xuống còn 6,35% hiện nay. Đạ Ròn hiện còn dư nợ từ NHCSXH 24,5 tỷ đồng với 1.075 hộ vay. Nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo có thể tăng lên khoảng 4%. Tuy nhiên, hộ nghèo chỉ còn rơi vào nhóm gia đình người già, neo đơn không có sức lao động.

Tại Đạ Ròn, đồng vốn TDCS đã tác động trực tiếp đến người dân. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và NHCSXH, công tác cho vay vốn TDCS sát thực hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giải quyết nợ đọng cũng như khó khăn vướng mắc. Vốn tín dụng được cấp ngay tại địa bàn cư trú, hoạt động của Tổ TK&VV hiệu quả, tiện lợi cho bà con, vừa giúp bà con có tích lũy từ các khoản tiền nhỏ để sau này trả nợ vay. Dù vậy, mong muốn của bà con là được tăng hạn mức và mở rộng đối tượng sử dụng vốn để công cuộc xóa đói giảm nghèo được triển khai trên diện rộng, nguồn vốn TDCS phát huy hơn nữa vai trò là nguồn vốn “ích nước - lợi nhà”.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Với 13 chương trình TDCS, Lâm Đồng hiện đang có dư nợ 2.572 tỷ đồng, gửi tiết kiệm được hơn 11 tỷ đồng, hơn 95% thành viên vay vốn gửi tiết kiệm, giúp nguồn vốn TDCS đến được đúng đối tượng, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”. 

Mới đây, NHCSXH triển khai dịch vụ nhận tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn ngay tại xã, để bổ sung nguồn vốn, tiếp tục thực hiện các chương trình TDCS. Với mức tăng trưởng trên 12%/năm và sự tích cực phối hợp của các tổ chức đoàn thể, nguồn vốn TDCS đang tích cực phát huy hiệu quả và khẳng định tính ưu việt của NHCSXH.

Lê Hoa

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top