Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2019 | 13:58

Nông dân Hà Tĩnh điêu đứng vì cá, ngao chết hàng loạt

Sau đợt mưa lũ vừa qua, không chỉ bà con trồng bưởi ở Hương Khê (Hà Tĩnh) điêu đứng mà ở các huyện ven biển Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh, xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt...

Hàng chục hecta ngao nuôi của người dân xã Mai Phụ (Lộc Hà) cũng “bỗng dưng” chết trắng bãi cũng khiến người dân khốn đốn.

 

tr9b.jpg
Khoảng 100 tấn cá của người dân xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà) bị chết sau lũ, thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng.

 

Sau cá, ngao cũng “bỗng nhiên” chết

Chúng tôi đến ba xã Kỳ Hà, Kỳ Hải, Kỳ Ninh (Kỳ Anh), gặp bà con nuôi trồng thủy sản, ai cũng có nét mặt buồn bã, nhiều người dồn hết vốn liếng và vay nợ ngân hàng để nuôi tôm, cá với hy vọng vụ mùa năm nay thắng lợi, cuộc sống sẽ khá dần lên. Nhưng “trời không cho ăn”, bởi hồ nào đã chết là chết sạch, không sót lại con nào. Có gia đình hai vợ chồng, 2 đứa con vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm, tôm chết sạch, hiện đang “sống dở, chết dở”.

 

tr9.jpg
Ngao chết hàng loạt khiến người dân điêu đứng.

 

Thời gian gần đây, người dân mạnh dạn đầu tư lồng bè, đưa các giống mới như cá chẽm, cá chim trắng, hàu đại dương, vẹm xanh… vào nuôi, phát triển kinh tế. Nhiều hộ nhờ đó mà thoát nghèo, vươn lên khá - giàu. Năm 2019, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí để bắt đầu mùa vụ mới, nhưng những trận mưa lớn vừa qua khiến hàng trăm tấn thủy sản bị chết, hư hại.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tính tới sáng 10/9, 3 vùng nuôi cá chẽm lồng bè trên địa bàn có hiện tượng cá chết hàng loạt, gồm các xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà); Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh) và Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên).

Trong đó, 54 hộ bị thiệt hại ở xã Thạch Sơn (49 hộ nuôi phía dưới Bara Đò Điệm và 5 hộ nuôi phía trên Bara Đò Điệm), ước tính sơ bộ 259 ô lồng. Sản lượng thiệt hại khoảng 100 tấn, giá trị ước trên 12 tỷ đồng. Qua kiểm tra các vùng xung quanh lưu vực sông đoạn nuôi lồng thấy có hiện tượng cá tự nhiên chết rải rác.

Tại xã Thạch Đỉnh, có 8 hộ thiệt hại với số cá chết là 2.630 con (kích cỡ 1-2 kg), ước sản lượng khoảng 4-4,5 tấn, thiệt hại khoảng 450-500 triệu đồng.

Ở xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh), 15 hộ có cá bị chết (kích cỡ khoảng 1kg) với số lượng 12 tấn; còn tại xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên), 9 hộ có cá chết (10 tấn).

Cách đây vài ngày, hàng chục hecta ngao nuôi của người dân thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (Lộc Hà) cũng “bỗng dưng” chết trắng bãi.

Sau khi bỏ ra cả trăm triệu đồng cải tạo 2,4ha bãi nuôi, ông Lê Văn Thuận thả hơn 27 tấn ngao giống. Nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến vào tháng 3 năm sau sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng nuôi, tới nay, diện tích ngao bị chết 70 - 80%.

 

tr9a.jpg
Gia đình ông Thuận xót xa, bất lực trước cảnh ngao chết trắng bãi.

 

“Ban đầu ngao chết một phần, sau đó lan ra gần như toàn bộ diện tích nuôi, không có cách gì cứu được”, ông Thuận thở dài.

Phó chủ tịch UBND xã Mai Phụ Phạm Trọng Hợp cho biết, địa phương có 80ha nuôi ngao, tập trung ở thôn Mai Lâm. Diện tích ngao bị chết từ 50 - 80% diện tích nuôi.

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh nói gì?

Ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phụ trách thủy sản Hà Tĩnh, cho biết, sau khi nhận được thông tin cá chết đồng loạt, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên và TP. Hà Tĩnh cùng các xã liên quan trực tiếp kiểm tra, lấy mẫu nước và mẫu cá tại các lồng nuôi gửi Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc hỗ trợ phân tích để sớm tìm ra nguyên nhân. Theo đó, các ngành chức năng cũng phối hợp với địa phương, cơ sở thu gom cá, thống kê, kiểm đếm số lượng cá chết, đánh giá sơ bộ mức độ thiệt hại và hướng dẫn các hộ nuôi thu gom xử lý.

 

tr9c.jpg
Bèo tây được xác định là một trong những nguyên nhân khiến ngao chết nhanh.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 229 lồng bè, nằm rải rác vùng ven sông ở các địa phương. Mặc dù ngành chức năng đang lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích và chưa có kết quả nhưng theo đánh giá chuyên môn, hiện tượng cá chết hàng loạt có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến cho môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc nước.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lộc Hà và UBND xã Mai Phụ lấy mẫu ngao, mẫu nước cùng bùn đất tìm nguyên nhân hàng chục hecta ngao nuôi bị chết ở thôn Mai Lâm.

Còn nguyên nhân cá chết đồng loạt ở các xã thuộc huyện Kỳ Anh trước lũ, người dân vẫn đang chờ câu trả lời từ ngành chuyên môn.

 

Những tháng cuối năm 2019, mưa lũ có thể diễn biến phức tạp, mưa to kết hợp với các hồ chứa và công trình thuỷ điện xả lũ dẫn đến ngập lụt ở các khu vực hạ lưu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. Để phòng chống, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả do mưa lũ cho thuỷ sản nuôi, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã có công văn đề nghị các địa phương có diện tích nuôi cá lồng thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Trong đó, chú trọng việc thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng.

Với trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió; che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp sao cho không để thuỷ sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi (3 - 5 kg) trước dòng chảy để phòng bệnh cho thuỷ sản.

 


 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top