Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2017 | 2:35

Nông dân Hà Tĩnh giữ chữ tín với đồng vốn ưu đãi

Hàng ngàn hộ nông dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tậu được trâu, bò; xây được nhà khang trang; có điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, gia đình chị Hoàng Thị Hường đã có điều kiện đầu tư chăn nuôi bò.

Của để dành từ đàn bò

Một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH là gia đình chị Hoàng Thị Hường ở thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang.

Chúng tôi đến thăm khi chị Hường vừa tay bế con nhỏ, vừa tất bật chăm sóc đàn bò. Chỉ tay vào đàn bò béo mẫm, chị Hường phấn khởi nói: “Nhờ vốn vay NHCSXH, tôi mới có “của để dành” là đàn bò này đấy”.

Theo chị Hường, nhiều năm trước, gia đình chị thuộc diện nghèo nhất xóm. “Hai vợ chồng tôi lấy nhau xong thì đẻ một lèo 7 đứa con. Hai vợ chồng cũng chăm chỉ làm ăn nhưng chỉ lo cái ăn, cái mặc và học hành của con cái đã “chóng mặt”, kinh tế mãi chả khá lên được. Thấy người ta chăn nuôi lợn, bò có lãi, tôi cũng muốn làm nhưng trong tay chẳng có nổi một đồng vốn nên chưa biết tính sao”, chị Hường tâm sự.

May mắn, năm 2013, gia đình chị Hường được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Anh cho vay 20 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn, chị mua 1 cặp bò mẹ con về nuôi. Được chăm sóc tốt, đàn bò sinh sôi nhanh, lên 3 rồi 4 con. Bò mẹ đẻ bê đực, chị Hường đem bán, còn bê cái để lại nuôi.

“NHCSXH đã tạo điều kiện cho mình vay vốn ưu đãi thì mình phải giữ chữ tín với đồng vốn. Chăn nuôi bò hiệu quả, gia đình tôi đã hoàn trả gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, đầu năm 2017, gia đình tôi tiếp tục làm đơn và được NHCSXH duyệt cho vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò. Đến nay, gia đình tôi đã nhân đàn lên 9 con bò, tính xêm xêm cũng trị giá cả trăm triệu đồng”, chị Hường phấn khởi khoe.

Với kinh nghiệm 12 năm đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Hoàng Dụ, bà Đặng Thị Anh chia sẻ: “Để vốn vay phát huy hiệu quả, việc bình xét đúng đối tượng cho vay là điều rất quan trọng. Tổ TK&VV thôn Hoàng Dụ bình xét đối tượng vay vốn dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công bằng, minh bạch trong quá trình bình xét để tránh gây so bì”.

Hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn

Theo bà Anh, khi đã giải ngân vốn vay, các tổ trưởng phải thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên tổ viên của mình tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và định hướng hộ nghèo chọn cách làm ăn thích hợp. Như trường hợp của chị Hoàng Thị Hường, bà Anh đã gợi ý chị chăn nuôi loại con nào, trồng cây gì để vừa thêm thu nhập vừa có thể chăm sóc con nhỏ.

“Hiện tổ do tôi quản lý có dư nợ hơn 1,940 tỷ đồng đồng với 57 hộ vay vốn. Điểm nổi bật của Tổ TK&VV thôn Hoàng Dụ là nhiều năm liền không có dư nợ quá hạn. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích với phương thức sản xuất rõ ràng”, bà Anh khẳng định.

Ông Phạm Anh Đức, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kỳ Anh, cho biết: Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng giao dịch phối hợp thực hiện ủy thác với 4 tổ chức hội, đoàn thể cấp huyện (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) ủy nhiệm qua 348 Tổ TKVV.

“Các Tổ TKVV này có nhiệm vụ giúp ngân hàng trong quá trình bình xét cho vay, đôn đốc thu hồi nợ và thu lãi theo quy định, hiện hoạt động khá có hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy có hiệu quả đồng vốn vay, hoàn trả gốc và lãi đúng hạn. Đáng chú ý, nợ quá hạn các chương trình tín dụng do Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện chỉ là 10 triệu đồng, chiếm 0,002%”, ông Đức nói.

Hà Thu

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top