Cây sơn tra Sơn La được trồng tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao các huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên và rải rác một số huyện. Cây trồng này lại chỉ hợp vùng quanh năm mây mù bao phủ, độ ẩm cao và nhiệt độ thấp. Quả sơn tra từ lâu được biết đến như một hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Từ tháng Giêng cây bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch quả từ tháng 9 đến hết tháng 11 hằng năm. Trong mấy chục năm qua, cây sơn tra đang là một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cho hàng nghìn hộ dân vùng cao.
Cây xóa nghèo
Sơn tra là loại cây từng mọc hoang trong rừng và mấy chục năm nay đã trở thành cây thu nhập chính cho nhiều hộ đồng bào H’Mông. Thậm chí, nhiều vùng đồng bào dân tộc H’Mông còn coi sơn tra là cây giảm nghèo.
Là xã có diện tích trồng táo sơn tra lớn nhất của huyện Mường La 2.260 ha, trong mấy chục năm qua các hộ đồng bào H’Mông trồng táo sơn tra của xã vùng cao Ngọc Chiến đã có thu nhập cao từ cây trồng này. Thậm chí, đến mùa táo sơn tra chín, người trồng sơn tra không phải lo đầu ra khi tư thương đến tận vườn mua và thuê người hái. Toàn xã có 2.260 ha, sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/năm.
Ông Kháng A Câu, Bí thư chi bộ bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La), cho biết: Bản có 1.260 ha với sản lượng 2.000 tấn quả. Đây là cây trồng đã mang lại thu nhập chính cho toàn bộ 126 hộ H’Mông trong bản trong 20 năm qua. Cũng do ở trên cao, khí hậu lạnh nên chỉ cây sơn tra mới sống được. Vào vụ sơn tra, mỗi hộ trong bản thu 70 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng từ tiền bán quả. Như nhà tôi, với 3 ha cũng thu về 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng. Táo hàng đẹp bán được 36.000 đồng/kg. Còn hàng thường bán 20.000 đồng/kg và hàng xô là 15.000 đồng/kg.
Tháng 9/2018, táo sơn tra Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”. Công ty TNHH Bắc Sơn, HTX Sơn tra Nậm Lộng, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp sơn tra Bắc Yên được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”.
Loay hoay tìm đầu ra
Với tổng diện tích 12.840 ha, sản lượng sơn tra năm 2021 ước đạt 33.000 tấn quả tươi, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng sơn tra lớn nhất cả nước. Ngoài việc tiêu thụ trong tỉnh, Sơn La cũng đã có nhiều giải pháp kết nối với các doanh nghiệp, công ty thu mua sơn tra để giảm áp lực mùa vụ.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ quả sơn tra cho bà con nông dân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, nhiều vùng trồng sơn tra vẫn đang loay hoay tìm đầu ra. Thậm chí, hàng nghìn ha táo sơn tra chín cũng chỉ để rụng thối đầy gốc.
Theo chân anh Sùng Chứ Chao, dân tộc H’Mông, bản Cổng Chạp (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu) lên khu trồng sơn tra. Dọc hai bên đường hay dưới những gốc sơn tra gần 10 năm tuổi của gia đình anh Chao, thấy táo rụng đầy gốc. Còn trên cây, táo đã chín rộ cũng không có ai thu hái…
Anh Sùng Chứ Chao bảo: 4 ha này mỗi vụ cũng thu được gần 10 tấn quả. Hai năm nay sơn tra không bán được, phải để rụng thối dưới gốc. Năm nay nghĩ tiếc nên gia đình cũng ra nhặt những quả chưa hỏng rụng dưới gốc mang về với hy vọng có người đến mua. Toàn bộ khu trồng này rộng trên 50 ha của 11 hộ. Đến thời điểm này, táo đã chín rụng trên 60% mà chưa hộ nào bán được. Giá bán 1.000 đồng/kg không đủ bù nhân công hái mà cũng chả ai mua. Các hộ trồng táo cũng kiến nghị đối với diện tích sơn tra đã khép tán sẽ được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bởi nếu cứ thế này, chúng tôi phải chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn".
Cùng chung cảnh ngộ khi đầu ra sơn tra gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Thào A Hồng, Giám đốc HTX Nặm Búa (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu), nói: HTX có hơn 200 ha sơn tra. Sản lượng năm nay khoảng 500 tấn nhưng đến giờ chưa bán được, táo chín rụng đầy gốc. HTX đang tính đến phương án sấy khô, tuy nhiên với sản lượng lớn sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư lò sấy và nhân công lớn. Vả lại táo sấy khô sau đó sẽ tính bán đi đâu thì cũng chưa tìm được. Như năm ngoái đã nhiều hộ dân ở các bản chặt bỏ một số diện tích để trồng cây khác.
Ông Trần Ngọc Thịnh, một trong những tư thương chuyên thu mua táo sơn tra ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, thông tin: Như mọi năm không bị ảnh hưởng bởi dịch, mỗi vụ thu mua đi các tỉnh và TP Hồ Chí Minh khoảng 500 tấn quả tươi và 70 tấn táo khô. Như năm nay mới thu mua được 50 tấn quả tươi và 5 tấn táo khô. Cũng muốn thu mua nhưng các cơ sở làm rượu, dược liệu ở các tỉnh họ dừng mua thì mình cũng phải dừng theo. Thậm chí, có hộ chuyên thu mua sơn tra còn tồn từ năm ngoái 7 tấn táo khô chưa bán được.
Trao đổi về những khó khăn với chúng tôi, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết: Sơn tra là một trong những mặt hàng nông sản của tỉnh gặp khó khăn về đầu ra do dịch Covid-19. Đối với quả sơn tra, tỉnh cũng đã kết nối tiêu thụ được khoảng 5.000 tấn; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX kết nối đưa sản phẩm “Táo sơn tra Sơn La” lên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Lazada, Shopee.... Tuy nhiên, đây là mặt hàng không như các loại cây ăn quả khác nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tỉnh sẽ làm việc với Tập đoàn TH TrueMilk đề nghị bổ sung công nghệ chế biến sơn tra vào “Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ”, bảo đảm giảm được áp lực tiêu thụ cho mùa vụ sau. Đồng thời tổ chức hỗ trợ bà con làm lò sấy để bảo quản được lâu hơn.