Kinh tế nông nghiệp ở Thái Lan được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, với một động lực mạnh mẽ đến từ Dự án “Nông dân thông minh”.
Được khởi xướng cách đây 8 năm, Dự án “Nông dân thông minh” (NDTM) của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã (NN&HTX) Thái Lan đã giúp cải cách và đưa nền nông nghiệp nước này bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số.
Theo ông Khajorn Raoprasert, Phó tổng cục trưởng Cục Khuyến nông, mục đích của dự án này là, trang bị kiến thức và chuyên môn cho nông dân để giúp họ “đối phó” với hệ thống nông nghiệp đang thay đổi nhanh chóng, với xu hướng sản xuất theo chuỗi giá trị.
Với hệ thống “thông minh”, người nông dân có thể sử dụng kiến thức, cũng như công nghệ để sản xuất hiệu quả hơn, an toàn hơn trong sản xuất hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Một khi hệ thống này được xây dựng, mô hình NDTM có thể được nhân rộng để nông dân trong cả nước làm theo.
Từ năm 2014, Cục Khuyến nông đã giúp cho 166.900 nông dân trở thành NDTM, thành lập 18.143 mô hình và 462 nhóm NDTM.
Dự án NDTM cũng đã khai sinh ra những NDTM trẻ - thế hệ doanh nhân nông nghiệp mới. Tính đến năm 2020, Bộ NN&HTX Thái Lan đã phát triển được 15.640 NDTM trẻ tuổi với hy vọng bằng những hiểu biết về công nghệ, họ có thể giới thiệu và phát triển phương pháp “Canh tác chính xác” nhanh chóng và rộng rãi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn chưa thể thu hút được quá nhiều người trẻ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, vì nó không được trả lương cao như các lĩnh vực công nghiệp hoặc dịch vụ khác.
Hướng dẫn làm nông nghiệp thông minh
Tiểu ban phụ trách dự án NDTM hướng dẫn 2 hoạt động là phát triển con người và chế biến nông sản. Trong đó, công việc phát triển con người được chia thành 5 nhóm: Nông dân và các nhóm canh tác; doanh nghiệp chế biến hàng nông sản; nhà xuất khẩu; chuyên gia và người tiêu dùng.
Hướng dẫn phát triển các nhóm nhằm mục tiêu bảo đảm hàng hóa nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường và sử dụng mô hình kinh tế BCG (vòng tròn sinh học xanh) làm cơ chế phát triển với năm cấp độ:
NDTM: Người nông dân nói chung được trang bị kiến thức kỹ thuật và chuyên môn. Khoảng 1,04 triệu NDTM đã được phát triển trong khuôn khổ “Dự án Phát triển nông dân thông minh”.
Chuyên gia: Một NDTM trở thành một nông dân “kiểu mẫu” hoặc chuyên gia. Khoảng 75.181 nông dân kiểu mẫu đã được phát triển trong khuôn khổ Dự án “Phát triển Tình nguyện viên nông nghiệp thôn bản”.
Chủ doanh nghiệp: Giúp nông dân trở thành những nhà kinh doanh nông nghiệp cơ bản. Khoảng 1.000 doanh nhân nông dân đã được phát triển theo Dự án Phát triển nông dân mới.
Agri-Biz-Idol: Giúp nông dân trở thành doanh nhân nông nghiệp hàng đầu. Cho đến nay, đã phát triển được khoảng 180 nông dân.
Nhà xuất khẩu tiềm năng cao: Các nhà kinh doanh nông nghiệp có cơ hội kiếm tiền trên thị trường xuất khẩu.
Nhằm thúc đẩy Dự án NDTM, Cục Khuyến nông đã thực hiện 43 dự án và kế hoạch phát triển 170.788 nông dân vào năm 2025. Cục đã và đang hợp tác với các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức giáo dục như Cơ quan Phát triển Nghiên cứu Nông nghiệp, Viện Quản lý Panyapiwat, Đại học Kasetsart , Đại học Chiang Mai và Đại học Khon Kaen.
Tiếp thị dẫn dắt sản xuất
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ít nhiều làm thay đổi cán cân kinh tế trong hơn 2 năm qua. Nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa, dẫn đến nhiều người mất việc làm. Người dân không còn cách nào khác là quay trở lại làm nông nghiệp.
Để thúc đẩy dự án NDTM, Bộ NN&HTX Thái Lan đã và đang xây dựng các nhóm khuyến nông và tổ chức các hoạt động nhằm tạo nền tảng cho các doanh nghiệp cộng đồng trong tương lai.
“Chúng tôi mong muốn biến NDTM thành những hình mẫu không chỉ là người nắm giữ kiến thức, mà còn là người truyền dạy kiến thức trong cộng đồng. Điều này, sẽ giúp cộng đồng địa phương mạnh mẽ và tự chủ hơn”, ông Khajorn nói.
Dự án Nông dân thông minh đang được kỳ vọng tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho nền nông nghiệp Thái Lan.
Ông Khajorn cho biết thêm, quá trình biến nông dân thành NDTM bắt đầu bằng việc đánh giá tiềm năng của họ, trước khi xây dựng kế hoạch phát triển như: Đào tạo, tạo mạng lưới học tập, tiếp thị, hình thành hệ thống quản lý nhóm để giảm chi phí, mở rộng cơ hội; cũng như hợp tác nghiên cứu và phát triển. Một khi hệ thống hoạt động, kết quả sẽ được đánh giá và chuyển thành bài học để thêm vào cơ sở dữ liệu.
Đối với dự án NDTM trẻ, Bộ đưa ra 4 bước:
Bước 1, lên ý tưởng. Bước này yêu cầu cá nhân phải tìm ra định hướng và mục tiêu của mình, trước khi chuyển sang xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, trao đổi kiến thức, xây dựng mạng lưới và đánh giá tiềm năng của kế hoạch.
Bước 2, thiết lập dự án. NDTM phát triển các hoạt động nông nghiệp thông minh bằng cách đưa ý tưởng vào thực tế thông qua việc chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh nông nghiệp sơ bộ.
Bước 3, khởi động. NDTM trở thành doanh nhân nông nghiệp chính thức khi công nghệ thông minh được áp dụng để quản lý theo khái niệm “tiếp thị dẫn dắt sản xuất”.
Bước 4, tiến ra toàn cầu. Thế hệ nông dân mới cần áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc nâng cấp sản phẩm phù hợp với thị trường thế giới.
Bước tiếp theo là phát triển các nhà quản lý cho các dự án lớn này. Mục tiêu của Bộ NN&HTX Thái Lan là, đưa những trang trại quy mô lớn này trở lại cho người nông dân và đặt họ làm trung tâm của hoạt động. Là quản lý, nông dân có thể áp dụng kiến thức về các vấn đề như giống, phân bón và công nghệ nông nghiệp hiệu quả vào sản xuất. Họ cũng có thể gộp máy móc lại để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả cũng như quản lý tốt các khía cạnh của việc tiếp thị.
Bộ NN&HTX cùng Bộ Thương mại Thái Lan có một tầm nhìn chung về chiến lược “Tiếp thị dẫn dắt sản xuất”. Đó là tập trung vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh và GDP của Thái Lan, cũng như tăng thu nhập của nông dân và doanh nghiệp, đưa Thái Lan trở thành nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…