Đây là chuyên đề được Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ với 78 học viên của Lớp Đào tạo cán bộ nguồn làm trong HĐQT, BGĐ HTX trên địa bàn huyện Cao Lãnh.
Đối tượng tham gia lớp là đại diện Chi uỷ, tổ chức của khóm, ấp, Ban Giám đốc hợp tác xã, Ban Chủ nhiệm hội quán, thủ lĩnh thanh niên khởi nghiệp, nông dân tiêu biểu, gương khởi nghiệp tiêu biểu. Huyện Cao Lãnh là địa phương đầu tiên tham gia chương trình đào tạo này, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan, tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Giá trị gia tăng đó là “tiền tươi", thóc thật nằm lại trong túi người nông dân. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích).
Ông cho rằng, trong sản xuất, bà con ít khi nào tính tới chi phí bỏ ra mà chỉ chú trọng đến giá bán, trong khi đó càng giảm được chi phí thì càng tăng được lợi nhuận. Giá cả cao hay thấp chỉ phản ánh sự khan hiếm của hàng hoá, bàn tay vô hình của thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả.
Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn nông dân, trong quá trình sản xuất phải hướng tới người tiêu dùng, cam kết về chất lượng sản phẩm mình làm ra. Không chỉ đơn thuần bán sản phẩm, hàng hoá nông sản mà nông dân có tư duy kinh tế phải biết tạo ra dịch vụ, trải nghiệm trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, để từ đó gia tăng thêm giá trị.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng chỉ ra một số đặc điểm của nền nông nghiệp kém phát triển. Đó là ý thức về hợp tác, liên kết chưa tốt; người sản xuất chủ yếu quan tâm đến giá bán, trong khi chi phí sản xuất cao; quy trình sản xuất kém sạch, thiếu an toàn, ít thân thiện với môi trường; sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thiếu truy xuất nguồn gốc và khó xây dựng thương hiệu; chưa có giải pháp hiệu quả ở các khâu sau thu hoạch v.v.. Đi ngược lại với những đặc điểm này thì đó là một nền nông nghiệp phát triển. Đây là sự khác biệt mà nông dân cần phải nhìn thấy để có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, vấn đề về thay đổi lối sống, cách nghĩ của mỗi người dân cũng được Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ. Ông kỳ vọng mỗi người dân hãy sống vui vẻ, chan hoà, bỏ đi sự đố kỵ đời thường, cùng liên kết và hợp tác, chia sẻ với nhau; phát huy những cảm xúc tích cực trong mỗi người để từ đó xây dựng một xã hội, một làng xóm yên vui, cùng nhau làm giàu trên chính quê hương mình.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.