Do ảnh hưởng của những ngày mưa liên tiếp trong tháng 8 vừa qua, có đến 30% quất ở Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nội) bị thiệt hại.
Người trồng quất nơi đây đang “đứng ngồi không yên” khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Còn người trồng đào ở xã Uy Nỗ lại đang lo lắng bởi dịch bệnh sẽ vắng bóng người mua, mặc dù đào năm nay đẹp hơn năm trước.
Thấp thỏm vụ quất Tết
Tôi về Tàm Xá vào một ngày cuối năm, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Những năm trước đây, khi không có dịch bệnh, vào thời điểm này, trên con đường bê tông dẫn ra cánh đồng trồng quất, rất đông thương lái từ các địa bàn lân cận về đây, bởi quất ở đây có dáng thế tự nhiên, không gò ép, rất phù hợp với nhà có khuôn viên, sân rộng, nên được nhiều người lựa chọn.
Nhưng năm nay thì cảnh tượng lại khác, đường ra cánh đồng trồng quất không có mấy người đi lại. Chị Nguyễn Thị Toan, người trồng quất trên chục năm qua ở Tàm Xá cho hay, năm nay đúng là lượng thương lái về đây buôn quất rất ít. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì thế không đông như mọi năm. Nhưng cũng có một nguyên nhân khác là quất năm nay không được như mong đợi.
“Người trồng quất năm nay có nguy cơ lỗ nặng, bởi tháng 8 vừa rồi mưa liên tục làm cho cây bị thối rễ, dẫn đến vàng lá và chết. Nhà tôi thiệt hại khoảng 30%, nhưng có những nhà phải chặt bỏ đến 50% số cây”, chị Toan buồn rầu nói.
Chị Lê Thị Chính (thôn Đoài) chia sẻ, để có một cây quất to như thế này, người trồng quất phải mất 3 - 4 năm chăm sóc. Ban đầu là những cây quất giống chỉ cao khoảng 50 - 60cm. Ba năm đầu chỉ trồng cây để lấy quả, sau đó sang năm thứ 4 mới đảo quất đánh về ruộng chăm sóc.
“Vất vả lắm chứ anh, không dễ dàng chút nào cả, nếu như mình không chăm sóc cây sẽ không khỏe, quả sẽ không to, năm vừa qua thời tiết không ủng hộ người nông dân, nên quất hỏng nhiều. Người trồng quất chỉ mong sao quất bán được giá để gỡ gạc đôi phần”, chị Chính bày tỏ niềm mong mỏi.
Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá phân bón lại tăng, nông dân đã vất vả lại càng thêm vất vả. Theo như lời chị Chính, mọi năm mưa thuận gió hòa, hoa quất ra đều đúng vụ, nhưng năm nay đúng vụ hoa rồi mà cả cánh đồng quất chỉ lác đác nụ hoa. Thế cho nên, đến giờ này, quất của nhiều nhà, quả vẫn chưa to, tuy nhiên, vẫn có gia đình quất rất đẹp, lá xanh, quả to.
Quất là loại cây không ưa nước, vì thế, khi trồng quất, nông dân phải đánh luống hay đắp bầu cho nước không đọng lại ở gốc. Ngay cả khi được đánh vào chậu trưng Tết, cũng không nên tưới quá nhiều nước, dẫn đến quất sẽ bị thối rễ và hay rụng quả.
Theo lãnh đạo xã Tàm Xá, xã có khoảng 90ha quất với 348 hộ trồng, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 169 nghìn cây. Tuy nhiên, số lượng quất cung cấp ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán này sụt giảm, nguyên nhân là do mưa nhiều vào tháng 8 vừa qua làm quất thối rễ.
Đào đẹp hơn nhưng lo ế khách
Đến thôn Phúc Lộc, xã Uy Nỗ (Đông Anh), vùng trồng đào phục vụ Tết, được biết hiện có hơn 100 hộ theo nghề.
Anh Nguyễn Xuân Tám cho biết, gia đình anh trồng đào nhiều năm nay, mỗi năm có hơn 100 gốc đào được anh cung cấp ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. So với trước đây, trồng đào thu được giá trị kinh tế khá hơn, nhưng thời tiết phải thuận lợi.
“Với thời tiết đêm rét ngày nắng như thế này, đến gần Tết nắng bừng lên là đào năm nay sẽ rất đẹp, nhưng chúng tôi vẫn còn lo vì thời điểm này năm ngoái đã có thương lái đến đặt mua. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giờ vẫn vắng bóng người mua”, anh Tám nói.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tám cho biết, đầu tư phân bón chăm sóc cho 100 gốc đào cũng mất ngót nghét gần 100 triệu đồng, may mắn đào đẹp có khách mua sau khi trừ chi phí cũng thu được 200 triệu đồng, còn không thì trắng tay.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà không thể thiếu cành đào, chậu quất cảnh. Đặc biệt đối với người Hà Nội, đào và quất là thứ hoa, cây cảnh ăn sâu vào trong tâm thức của người dân Thủ đô. Và nơi đây cũng chính là “thủ phủ” nức danh với làng trồng quất cảnh ở Quảng Bá, trồng hoa đào ở Nhật Tân từ hàng trăm năm trước. Ngày nay, có thêm làng Tàm Xá có cùng thổ nhưỡng và khí hậu tương đồng với Quảng Bá, bởi cùng được phù sa màu mỡ của con sông Hồng bồi đắp lên hàng nghìn năm qua.
Với người trồng đào, quất thì Tết chính là thời điểm mong chờ để thu về thành quả sau cả năm vất vả chăm sóc. Ai nấy đều mong mưa thuận gió hòa, để có cây quất, cây đào đẹp. Và mong thị trường vẫn đủ sự nhộn nhịp để có một cái Tết “ấm”, đào, quất “được mùa, được giá” để các làng nghề truyền thống “sống khỏe” giữa đại dịch.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.