Những ngày này, người trồng hoa ở thành phố Đà Nẵng tất bật chăm sóc hoa, cây cảnh chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo người trồng hoa, vào thời điểm này năm trước, thương lái ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đã đến đặt mua hoa. Thế nhưng năm nay, rất ít ai hỏi mua. Người trồng hoa thấp thỏm lo âu vì tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoa sẽ không bán ra được thị trường ngoại tỉnh. Còn nội thành thì thu nhập người dân bị giảm sút cũng ảnh hưởng việc mua hoa chơi Tết.
Ông Thái Văn Công lo lắng về thị trường tiêu thụ hoa Tết.
Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, tại những vựa hoa Tết ở thành phố Đà Nẵng khá ảm đạm. Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thu nhập của nhiều người trở nên khó khăn. Người trồng hoa không khỏi lo ngại về đầu ra cho sản phẩm. Ông Thái Văn Công, chủ vườn hoa ở phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, đã 15 năm trồng hoa, chưa thấy năm nào lo như năm nay.
Vụ hoa Tết này, ông Công trồng gần 50.000 chậu hoa Dạ Yến Thảo, Mai Địa Thảo, Thu Hải Đường, Cẩm Chướng… trên diện tích 5.000 m2. Theo ông Công, thời điểm này năm trước, bạn hàng thân quen ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị gọi điện đặt mua hoa, nhưng năm nay số lượng đặt hàng đếm trên đầu ngón tay. Những năm hoa được mùa, được giá, gia đình ông Thái Văn Công thu lãi chừng 500 - 700 triệu đồng, năm nay chỉ mong thu lại vốn.
“Do dịch Covid-19 cho nên năm nay cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra. Trong quá trình sản xuất, năm nay có giảm số lượng. Mọi năm đến giờ thương lái tới đặt hàng nhiều nhưng năm nay rất ít. Ở đây, tôi làm chủ yếu những dòng hoa treo, hoa công nghệ cao. Dịch diễn biến phức tạp cho nên số lượng hoa tại vườn khó có thể tiêu thụ. Mong các cấp, cơ quan, lãnh đạo thành phố giúp đỡ tìm đầu ra cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm” - ông Công chia sẻ.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, người mua hoa cúng cũng giảm mạnh. Năm nay, giá hoa cúc giảm từ 10.000 đồng 1 gốc xuống còn hơn 5.000 đồng 1 gốc mà không có người mua. Ông Lý Phước Dạng, chủ vườn hoa ở thôn Dương Sơn, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm trước đây, ông trồng gần 15.000 chậu hoa Cúc. Tết năm nay chỉ trồng 10.000 chậu nhưng vẫn chưa có cách tiêu thụ.
Trong khi đó, thời tiết năm nay cũng diễn biến bất thường, các loại sâu, bọ phá hoại cây trồng phát triển, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều tăng cao nên người trồng hoa càng khó khăn. Theo ông Lý Phước Dạng, cả năm chỉ trông vào vụ hoa Tết nhưng năm nay, phải trả lại mặt bằng, thu hẹp diện tích.
“Trước tình hình dịch bệnh nông dân cũng rất e dè, số lượng chậu hoa sử dụng trong vụ Tết năm nay giảm hơn năm ngoái là 2.500 chậu. Không biết tình hình đến đâu đến khi cây hoa ổn định xuất bán thị trường có tiêu thụ được không, nông dân vô cùng khó khăn. Những năm trước có lái buôn từ các tỉnh về đây lấy hàng, năm nay dịch bệnh, sợ các tỉnh không về được, nông dân tự lo phương án” - ông Dạng nói.
Hoa Tết là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ trồng hoa ở thành phố Đà Nẵng. Bây giờ, do ảnh hưởng dịch bệnh, các chủ vườn trồng hoa đứng ngồi không yên, lo lắng về đầu ra. Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, tại thành phố này diện tích trồng hoa nay đã giảm từ 30% đến 40% so với năm trước.
“Hội Nông dân thành phố đã bám sát thực tế, phân công cán bộ đến từng đến từng vùng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân vùng trồng hoa truyền thống để hỗ trợ giúp nông dân vượt qua khó khăn. Bước đầu, Hội nông dân thành phố giúp các hộ vay trên 1 tỷ đồng để có vốn. Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố giúp cho các hộ trồng hoa về kiến thức phòng trừ sâu, dịch bệnh, nhất trong đợt mưa lớn để tránh gãy hoa, gây thất thoát hoa giảm chất lượng màu sắc hoa; Tư vấn cho người nông dân bám sát thị trường” - ông Dũng chia sẻ./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.