Nhân kỷ niệm ngày khoa học Việt Nam 18/5, sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm và nói chuyện với các giáo sư, viện sĩ, cán bộ nhân viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập ngay sau khi đất nước thống nhất vào ngày 20/5/1975, trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển từ 3 thành viên ban đầu, đến nay, Viện đã có 52 đơn vị trực thuộc, trong đó 33 viện và trung tâm chuyên ngành là những đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản và phát triển công nghệ.
Với đội ngũ hơn 4.100 cán bộ, 224 giáo sư và phó giáo sư, 750 tiến sĩ, 800 thạc sĩ, các nhà khoa học đã tham gia vào hầu hết các chương trình lớn của đất nước, luôn đi đầu về nghiên cứu cơ bản, ứng dụng công nghệ cao như công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ vệ tinh viễn thám, công nghệ vũ trụ… những dự án mà Viện thực hiện như chế tạo vệ tinh quan sát trái đất, sản xuất quặng sắt, xốp và thép từ bùn đỏ trên quy mô công nghiệp, phương án thoát lũ ra biển Tây, cảnh báo động đất, sóng thần; sản xuất giống cây trồng vật nuôi, vaccine…đã mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước.
Nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đất nước ta đang đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là sự nghiệp to lớn, đòi hỏi phải đồng tâm, nhất trí, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của các nhà khoa học. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đặt ra rất nặng nề đòi hỏi cần có sự đổi mới về quản lý, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Chủ tịch nước đề nghị: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học, công nghệ, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của khoa học, công nghệ, tạo động lực cho các nhà khoa học cống hiến cho đất nước. Đổi mới ngay từ khâu hình thành các nhiệm vụ khoa học theo hai hướng nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu là các sản phẩm khoa học cụ thể, được đặt hàng từ những chủ thể có nhu cầu. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả các chương trình, đề tài khoa học, công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy hiệu quả ứng dụng làm thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng công trình. Đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cần chú trọng hợp tác quốc tế để những sản phẩm khoa học, công nghệ tương xứng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới”.
Chủ tịch nước đề nghị phát triển khoa học, công nghệ cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam; dự án về công nghệ tế bào gốc phục vụ chữa bệnh; dự án sản xuất thép từ bùn đỏ, chất thải của quá trình chế biến quặng bauxitet ở Tây Nguyên; các dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Chủ tịch nước lưu ý để làm tốt điều đó cần phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn tri thức của con người Việt Nam và tranh thủ tối đa tri thức tiên tiến của nhân loại. Triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đối với các hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, đối với cán bộ khoa học, công nghệ nói riêng, nhất là cán bộ khoa học trẻ, có trình độ cao; thu hút nhân tài phục vụ đất nước. Tôn vinh những nhà khoa học có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa nền khoa học và công nghệ Việt Nam tiến lên một bước mới.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước đã đến thăm và nói chuyện với các nhà khoa học, cán bộ nhân viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách. Trong hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai và tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao..., đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khoa học xã hội Việt Nam nói chung và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức.
Nhiều nghiên cứu và kiến nghị của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh và quốc phòng... đã được đánh giá là sâu sắc, kịp thời và rất cơ bản. Đặc biệt, khoa học xã hội và nhân văn đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đánh giá cao những kết quả nghiên cứu, lao động sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh, xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơm. Các mâu thuẫn lớn của thời đại và cuộc đấu tranh tư tưởng vẫn rất gay gắt. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng; tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Vỉệt Nam.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của khoa học xã hội và nhân văn nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; củng cố, tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị trong nhân dân; phát huy sức mạnh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước đề nghị: “Cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.
Chủ tịch nước cũng lưu ý Viện Hàn lâm khoa học xã hội coi trọng tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm và nghiên cứu những vấn đề thực tiễn mới của đất nước cần giải đáp về mặt lý luận trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai; tăng cường và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác khoa học xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội vững mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước, tạo tiềm lực mạnh cho sự phát triển của khoa học xã hội trong thời gian tới, đồng thời góp phần đưa nền khoa học xã hội Việt Nam đạt trình độ tiến tiến, ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao quyết định bổ nhiệm Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trước đó, Chủ tịch nước cũng đã tới thăm Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, nơi gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu những tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu./.