Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2016 | 11:3

Nông thôn khởi sắc từ đồng vốn tín dụng

Việc triển khai và tổ chức hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bảo Thắng (Lào Cai) luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của huyện lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc làm ủy thác nhiệt tình, tâm huyết. Vốn tín dụng ưu đãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bảo Thắng tuy là huyện vùng núi thấp của tỉnh Lào Cai nhưng trên địa bàn có 14/15 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn, trong đó có 1 xã biên giới (đường biên giới dài 6,5km), 5 xã thuộc khu vực III và 104 thôn/264 thôn, bản, tổ dân phố ở diện đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, đối tượng hưởng thụ chính sách tín dụng trên địa bàn huyện Bảo Thắng khá lớn, nhất là hộ nghèo, đồng bào DTTS và hộ cận nghèo. Đây chính là khó khăn cho công cuộc xóa đói nghèo trên địa bàn nói chung.

Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng, mặc dù các hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn khách quan (địa bàn miền núi chiếm phần lớn, trình độ dân trí nói chung chưa cao…) nhưng bù lại, NHCSXH huyện đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cũng như tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức hội, đoàn thể nhận làm ủy thác, sự ủng hộ của nhân dân… nên công tác của đơn vị có nhiều thuận lợi.

Đến 30/6/2016, tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng thực hiện trong huyện đạt trên 381 tỷ đồng, hoàn thành 98,4% kế hoạch năm 2016, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,068% tổng dư nợ.

Hộ nghèo trên địa bàn xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng làm thủ tục nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch của NHCSXH

Nguồn vốn cho vay đã tạo một nguồn lực tài chính đáng kể giúp cho hộ dân chuyển đổi sản xuất, chăn nuôi đúng hướng, góp phần vào kết quả đạt được trong việc tạo việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo thống kế trong năm 2015, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ kịp thời cho trên 2.500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải chi phí học tập; giúp 1.267 hộ vay vốn để xây dựng và cải tạo công trình vệ sinh và nước sạch, nhằm thực hiện tốt chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%; được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%; góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 42,18 % năm 2011 xuống còn 6,53% năm 2015.

Gia đình bà Trần Thị Phíp ở thôn Giao Bình, xã Xuân Giao là một trong nhiều điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi trong giảm nghèo của huyện. “Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, tuy nhiên không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để được vay vốn ưu đãi. May mắn thay, năm 2008, được sự giới thiệu, hỗ trợ của Hội Phụ nữ và Tổ tiết kiệm và vay vốn gia đình tôi đã được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư mua giống cây quế và mỡ trồng trên diện tích 3ha, kết hợp chăn nuôi trâu sinh sản”. Sau 03 năm chịu khó chăm sóc, rừng quế bắt đầu cho khai thác vỏ, đồng thời con nghé đã xuất bán được. Cuối năm 2011, gia đình bà Phíp đã trả được hết nợ vay ngân hàng đúng thời hạn và tiếp tục được vay 25 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Đến nay gỗ mỡ đã đến kỳ khai thác, trong chuồng của gia đình có 160 con lợn thịt. Hàng năm thu nhập từ sản phẩm rừng trồng và chăn nuôi sau khi trừ chi phí thu về 150 triệu đồng. “Tháng 6 vừa rồi, gia đình tôi đã trả được nợ cho ngân hàng và đang mong muốn tiếp tục được vay vốn NHCSXH để duy trì và mở rộng chăn nuôi hơn nữa”, bà Phíp phấn khởi cho hay.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác cho vay, công tác huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH huyện Bảo Thắng chú trọng thực hiện. Đến 30/6/2016, 100% số hộ vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm, với số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt hơn 6,2 tỷ đồng.

Theo bà Phạm Thị Thúy Ngà - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Giao Bình, xã Xuân Giao, Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà quản lý có có 60 thành viên, trong đó có 55 hộ còn dư nợ với số tiền 2,3 tỷ đồng. 100% thành viên trong tổ đã gửi tiền tiết kiệm và thực hiện gửi tiết kiệm đều hàng tháng với số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ đạt 41,7 triệu đồng, bình quân một hộ gửi 695 nghìn đồng. Thông qua hoạt động này, bà con trong thôn dần hình thành ý thức tiết kiệm để tạo vốn tự có, đồng thời giảm áp lực khi đến kỳ trả nợ”.

Là  huyện có nền kinh tế phát triển khá bền vững trong những năm qua, thu nhập bình quân năm 2015 đạt 19,7 triệu đồng/người. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao. Toàn huyện có 8.166 hộ nghèo, chiếm 28,64%; hộ cận nghèo có 4.391 hộ, tỷ lệ 15,4%.

Vì thế, để đạt mục tiêu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu được vay vốn, NHCSXH huyện đang nỗ lực phối hợp cùng chính quyền các cấp, tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; Tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn…

Thùy Trang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top