Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 3 năm 2018 | 21:1

Nước mắt mẹ già hơn 10 năm nuôi con trong cũi

Một ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Lương Thị Thường ở bản Vĩnh Kim xã Hoa Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An), người đã hơn 10 năm qua phải nuôi con trong cũi. Câu chuyện về bà Thường, về đứa con trai bệnh tật cứ ám ảnh tôi mãi.

Qua những con đường gập ghềnh, khúc khủy cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà bà Thường, ngôi nhà nằm nép mình bên xóm nhỏ. Vừa đến ngõ chúng tôi đã nghe thấy những tiếng kêu la hét vọng ra từ góc vườn. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình kinh hãi. Bước vào trong ngôi nhà tồi tàn không có vật dụng gì đáng giá, đập vào mắt là những cánh cửa không còn được nguyên vẹn, lúc này đã gần trưa nên bà Thường đang chuẩn bị nấu bữa cơm cho đứa con trai bệnh tật, bên ánh lửa bập bùng, khuôn mặt nhăn nheo của bà Thường hiện lên sự đau khổ, đáng thương.

Bà Thường dẫn chúng tôi ra vườn, một chiếc cũi bằng gỗ chắc chắn màu đã cũ nằm dưới gốc cây xoài hiện lên trước mắt, dù đã có gắng lấy lại tinh thần sau những tiếng hét thất thanh lúc mới đến nhưng tôi vẫn có cảm giác sợ hãi không giám đến gần nên chỉ đứng từ xa nhìn lại. Bưng bát cơm bón cho đứa con từng thìa, bà Thường cay đắng nói trong nước mắt: Hơn 10 năm trôi qua là 10 năm chính người mẹ này phải nhốt con trong cũi.

Rồi bà Thường kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về gia đình: sau khi lấy chồng, bà sinh hạ được 8 người con, sáu trai, hai gái, nhưng số của bà nuôi con vất vả, khó nhọc đứa con đầu bị bệnh rồi qua đời, còn đứa con út là Lương Văn Quý thì mắc bệnh tâm thần nặng. Cuộc sống gia đình lam lũ, cực khổ nhưng vợ chồng bà vẫn cố gắng nuôi đàn con khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng được cho 6 người. Có đứa ở gần, có đứa ở xa nhưng đứa nào cũng chật vật mưu sinh làm ăn nên chẳng thể giúp đỡ gì hơn cho bố mẹ.

anh-1.jpg
Hơn 10 năm người mẹ già này cay đắng nhốt con trong cũi
 

Cứ tưởng các con không lớn, hai ông bà có thể nương tựa vào nhau để cùng chăm sóc đứa con bệnh tật thì mấy năm trước người chồng của bà cũng bị bệnh tai biến mà qua đời, để lại một mình bà gắng gượng nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con mắc tâm thần suốt những ngày dài đằng đẵng.

Lấy tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Thường tiếp lời: Năm 1989 tôi sinh ra Quý, nó cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, Quý thông minh nhanh nhẹn, học hành cũng khá, bình thường ngoài đi học nó còn ở nhà chăn trâu, cắt cỏ giúp bố mẹ. Thế rồi tai họa ấp đến, năm 2004 khi Quý bị cảm rồi sốt nặng, vài tháng sau thì trở nên điên loạn, gia đình nghèo khó không có tiền chữa trị nên bệnh lại càng nặng thêm. Những lúc lên cơn, Quý la hét, đập phá hết đồ đạc trong nhà rồi chạy ra ngoài đường quậy phá, đuổi đánh bố mẹ và nhưng người xung quanh.

Bà Thường ngập ngừng, quyết định khó khăn nhất và cũng đau lòng nhất cuộc đời bà chính là nhờ người đóng cũi để nhốt đứa con trai bé nhỏ. Lúc đó Qúy mới chỉ 15 tuổi. Nhìn người ta đóng cũi, mỗi thanh gỗ, cây tre như hàng trăm hàng nghìn mũi nhọn đâm vào lòng người mẹ, nhưng lực bất tòng tâm bà đành phải nhốt đứa con để bảo vệ những người xung quanh và cũng chính là bảo vệ đứa con của mình.

anh-2-1.jpg

Rồi sau này khi bà Thường gia đi ai sẽ là người chăm sóc đứa con bệnh tật

Thấm thoát đã hơn 10 năm trôi kể từ ngày bà Thường nuôi con trong cũi, đó cũng chính là khoảng thời gian mà chưa đêm nào người mẹ ấy được ngủ ngon giấc. Những đêm đông lạnh lẽo, nhưng ngày mưa gió lùa mẹ già lại đốt đèn ra ngồi bên chiếc cũi để mong truyền được một chút hơi ấm cho con. Với bà Thường lúc bình yên, ấm áp nhất có lẽ là lúc ngắm nhìn đứa con nằm ngủ, lúc đó trông nó lương thiện, hiền lành. Nhưng lúc bình tâm nhìn nó rất đáng thương mới có 28 tuổi đầu, Qúy cũng biết hát, nhiều lúc hát còn hay nữa, Qúy còn nhớ cả những người thỉnh thoảng đến thăm… những lúc như thế người mẹ già như muốn phá tan chiếc cũi nghiệt ngã kia.

Hướng đôi mắt nhìn vào chiếc cũi nơi đứa con đang nằm, nước mắt người mẹ già lại chảy dài. Năm nay, bà Thường cũng đã hơn 70 tuổi, sức già không làm lụng được gì, thỉnh thoảng các con, hàng xóm, láng giềng cho cân gạo để nấu và chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của nhà nước từ chế độ hộ nghèo. Bà lo rằng mai này khi nhắm mắt xuôi tay sẽ chẳng có ai chăm lo cho đứa con ngây dại.

Chia tay bà Thường và đứa con trai tâm thần trở về mà lòng chúng tôi nặng trĩu, bởi theo như lời ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, chia sẻ: “Đây là một gia đình đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh rất éo le, trong khi họ hàng, anh em lại không có điều kiện giúp đỡ. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến gia đình, đã vận động các tổ chức, đoàn thể song cũng chỉ mức độ có hạn”.

 

 

 

Huyền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top