Đóng góp vào thành công chung của NHCSXH, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Lão (TP.Hải Phòng) luôn thực hiện đúng quy định của Hội sở cũng như sự chỉ đạo của Chi nhánh Hải Phòng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh, nhiều hộ đã thoát nghèo, số hộ giàu ngày một tăng…
Chồng bà Đoàn Thị Nga chăm sóc đàn dê của gia đình.
Cụ Vũ Thị Vân ở thôn Xuân Sơn 1 (xã An Thắng) cảm động cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi có người mắc phải bệnh hiểm nghèo, chữa trị hết rất nhiều tiền nhưng không khỏi; người mất, tiền hết, gia đình rất khó khăn về kinh tế, thuộc diện hộ nghèo của xã. Thế nhưng sự sống nhanh chóng được hồi sinh trở lại kể từ khi gia đình được vay 50 triệu đồng của NHCSXH. Tới nay, gia đình tôi đã có vốn để phát triển mô hình trang trại tổng hợp, chăn nuôi vịt, lợn, cá”.
Tương tự như gia đình cụ Vân, gia đình bà Đoàn Thị Nga (ở cùng thôn) nhờ đồng vốn của NHCSXH đã thoát nghèo; khi tiếp tục được vay thêm vốn theo chương trình của hộ cận nghèo, gia đình bà đã mua dê và trâu để nuôi. Không chỉ thoát nghèo, gia đình bà đang hướng tới các mô hình chăn nuôi, làm giàu bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện An Lão, cho biết: Những năm qua, Phòng luôn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Tính tới thời điểm 31/3, dư nợ trong hạn trên địa bàn là 254.936,4 triệu đồng, toàn huyện có 15.071 hộ được vay vốn; nợ quá hạn 545,4 triệu đồng, nợ khoanh là 10 triệu đồng. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc thực hiện đúng các quy định, nhiệm vụ của ngành, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi còn chú trọng tới nhiệm vụ huy động vốn nhằm tạo thêm nguồn cho ngân hàng. Chúng tôi luôn nhận thức rằng, việc các hộ, các tổ chức tích cực tham gia gửi tiết kiệm tại phòng giao dịch thì bên cạnh việc có tiền gửi, việc thanh toán lãi của người vay sẽ được đúng hạn hơn. Nhận thấy tầm quan trọng đó, chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc tiết kiệm và cách sử dụng hiệu quả những đồng tiền tiết kiệm đó. Bởi vậy, tính đến hết ngày 31/3/2017, chúng tôi đã huy động được 19.938,1 triệu đồng, đạt 94% kế hoạch cả năm”, bà Thủy cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, hiện một số chương trình mức vay quy định còn thấp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Đồng quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Tịnh, Trưởng thôn Xuân Sơn (xã An Thắng), kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn mong muốn mức vay của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường được nâng lên để bà con tiếp cận vốn và sử dụng vốn hiệu quả.
Trên thực tế, mức vay 12 triệu đồng cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là quá thấp so với chi phí của một số hạng mục trong công trình nước sạch hiện nay, bởi giá nhân công luôn tăng, chi phí vật liệu khá lớn. Hơn thế nữa, công trình nước sạch đã xây dựng phải đảm bảo chắc chắn nên mỗi công trình bà con thường phải bỏ ra khoản chi phí lớn hơn rất nhiều so với số tiền được vay.
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình, có lẽ NHCSXH nên lưu tâm tới đề nghị của người vay, tới các điều kiện liên quan để quy định mức vay trong chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp hơn.
Đình Hợi