Sáng nay (25/7), ông Võ Kim Cự, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên tại hành lang Quốc hội về trách nhiệm của ông, cũng như những vấn đề liên quan đến vụ Formosa.
PV: Thưa ông, tại sao ông né tránh báo chí trước sự việc Formosa?
Ông Võ Kim Cự: Tôi không né tránh. Nhưng trả lời ngắn thì không đủ, cho nên tôi muốn có thời gian đầy đủ để trả lời. Đối với báo chí tôi luôn sẵn sàng. Tôi rất muốn gặp báo chí để chia sẻ thông tin, cung cấp chính thống các quyết định, văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp.
Đây là vấn đề tôi cũng rất băn khoăn. Thời gian họp Quốc hội nghỉ giải lao ngắn, không đủ thời gian chứ không phải tôi né tránh.
PV: Có phải ông trả lời vì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở sau cuộc họp báo?
Ông Võ Kim Cự: Không phải. Tôi chưa nhận được điện thoại từ Chủ tịch Quốc hội.
PV: Tuy ông không lên tiếng ngay lập tức, nhưng trong thời điểm nhiều tháng qua ông đã có phản ứng như thế nào trên cương vị là người cầm bút ký Giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa?
Ông Võ Kim Cự: Tôi rất là băn khoăn và chia sẻ với hàng vạn đồng bào bị ảnh hưởng. Một phần để động viên, cũng như trao đổi tâm tư với các đồng chí lãnh đạo của địa phương để hỗ trợ các nguồn lực cho bà con ổn định.
Thứ hai, kiến nghị các cơ quan Trung ương, bởi trong phạm vi quyền hạn của mình có hạn, để điều tra, kết luận sớm và hỗ trợ nguồn lực để một mặt xử lý nghiêm vi phạm của Formosa và cả bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Đồng thời có biện pháp để ổn định sớm cho bà con khu vực bị ảnh hưởng, trở lại sản xuất bình thường. Bởi để tâm tư lâu quá sẽ ảnh hưởng đến mặt khác, cả môi trường đầu tư của chúng ta.
PV: Về trách nhiệm, ông từng nói là việc ký Giấy đầu tư là không sai, nhưng quy trình là sai. Nhưng mọi người vẫn quan tâm đến trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có ông. Ông có ý kiến như thế nào?
Ông Võ Kim Cự: Việc ký Giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật. Đúng theo Nghị định 108, Nghị định 72 của Thủ tướng, đặc biệt đúng Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Thời gian 70 năm cũng vậy, đúng theo điều 34 của Luật Đầu tư và điều 67 Luật Đất đai đối với những dự án lớn, vốn lớn và thu hồi chậm, nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì được hưởng các ưu đãi.
Ưu đãi đó cả về thời gian, đất, chính sách khác. Có quyết định hẳn hoi, có điều khoản quy định rõ ràng. Hà Tĩnh không thể tự đặt ra được, đồng thời đảm bảo đúng quy trình.
Tức là khi nhà đầu tư có yêu cầu tỉnh đã báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý, sau đó giao cho các Bộ, ngành cùng địa phương làm hướng dẫn, quy trình, thẩm định của tất cả các Bộ ngành liên quan.
Hiện nay văn bản còn nguyên vẹn đây cả; thẩm định của các thành viên cơ quan Trung ương nữa. Sau đó tổng hợp báo cáo lại lần thứ hai xin ý kiến Chính phủ. Chính phủ đã đồng ý ở công văn 869 về cấp phép. Đồng thời, thời gian đó Thủ tướng cũng có văn bản 926 đồng ý thời gian 70 năm. Như vậy cấp phép đúng và phù hợp với luật pháp của chúng ta.
Còn để xảy ra sự cố môi trường đó thì tội phạm, thủ phạm và nguyên nhân là Formosa. Nó đã rõ rồi. Chúng ta đang xử lý nghiêm túc.
PV: Về việc xử lý, nhiều ý kiến cho rằng chưa thỏa đáng, thậm chí cho rằng nên đình chỉ hoạt động của Formosa. Hay đối với cá nhân ông, có ý kiến kiến nghị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội?
Ông Võ Kim Cự: Tôi chưa nghe ai nói và không nghĩ như thế. Nhưng vấn đề xử lý Formosa, tôi đang kiến nghị xử lý nghiêm túc. Nếu không thực hiện nghiêm túc theo đúng cam kết, ta phải xử lý nghiêm khắc hơn, thậm chí đình chỉ hoặc thu hồi lại.
PV: Xin cảm ơn ông!