Sáng 2/8 Cảnh sát môi trường Công an TP Vinh (Nghệ An) đã phát hiện và bắt quả tang một cơ sở sử dụng nhựa thông đun sôi nhổ lông và dùng hàn the tẩy trắng thịt gia cầm trước khi bán cho khách hàng.
Cố tình vi phạm
Sáng 2/8 Cảnh sát môi trường Công an TP. Vinh (Nghệ An) đã phát hiện và bắt quả tang một cơ sở sử dụng nhựa thông đun sôi nhổ lông và dùng hàn the tẩy trắng thịt gia cầm trước khi bán cho khách hàng.
Cơ sở giết mổ gia cầm Vinh Phụng do ông Bùi Xuân Phụng (SN 1961, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 50 con vịt, trong đó, 30 con đã nhổ lông bằng cách sử dụng nhựa thông đun sôi.
Ông Phụng khai nhận, do nhu cầu thị trường tiêu thụ lượng gia cầm lớn nên mỗi ngày cơ sở của ông giết mổ hàng trăm con gia cầm. Để nhổ sạch lông của gia cầm nhanh, cơ sở sử dụng nhựa thông đun sôi. Sau khi làm sạch, gia cầm được ngâm vào nước pha hàn the để làm trắng rồi đem đi tiêu thụ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở giết mổ gia cầm Vinh Phụng không có giấy phép hoạt động, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ 3kg hàn the, 3kg nhựa thông khô và số gia cầm trên để xử lý theo quy định.
Trước đó ngày 11/4/2016, Cảnh sát môi trường tỉnh Hậu Giang kiểm tra, phát hiện hàng chục công nhân trong lò giết mổ ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ sử dụng hóa chất để nhổ lông gần 600 con gà, vịt. Trong kho cơ sở có hơn 2.100 con đã được làm sạch lông. Ngoài ra, nước thải ở đây cũng được xả thẳng ra môi trường.
Chủ cơ sở Lê Đại Lợi cho biết, gia cầm sau khi cắt tiết, được nhúng vào lò chứa dung dịch nhựa thông. Sau đó, công nhân chỉ cần lột lớp màng đen bao phủ bên ngoài con gia cầm thì sẽ sạch trơn lông, nhìn bắt mắt. Mỗi ngày có hơn 2.500 con gia cầm (chủ yếu là vịt) được làm sạch bằng chất này.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định theo quy định Việt Nam không cho phép sử dụng nhựa thông trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. "Điều này có nghĩa là không được phép sử dụng trong giết mổ gia cầm nói chung, giết mổ vịt nói riêng", văn bản của Cục nêu và yêu cầu các Sở Nông nghiệp phổ biến tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân giết mổ biết quy định này.
Như vậy sau một thời gian không phát hiện được cơ sở nào trong quá trình giết mổ gia cầm, sử dụng nhựa thông và hàn the để vặt lông và tẩy trắng thịt gia cầm cho trắng trước khi đem đi tiêu thụ, thì đến nay các lực lượng chức năng lại phát hiện và bắt quả tang mọt cơ sở giết mổ gia càm tại Nghệ An vi phạm.
Có thể nói cơ sở này đã cố tình vi phạm các quy định của các cơ quan quan quản lý Nhà nước về việc cấm sử dụng nhựa thông và hàn the trong sản xuất và kinh doanh chế biến thực phẩm.
Không phạt hành chính mà phải truy cứu hình sự
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) các lực lượng khi phát hiện sơ sở vi phạm sẽ xử phạt hành chính theo quy định và truy cứu hình sự theo điều 190, 191 và 317 Bộ Luật hình sự có hiệu lực ngày 1/7/2016.
Tại Ðiều 317 Bộ luật 2015 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục: gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Căn cứ vào Quy định của Pháp luật, những trường hợp sử dụng chất cấm vào việc xử lý và chế biến thực phẩm cần phải bị truy cứu trách nhiệ hình sự, đối với chủ cơ sở sử dụng nhựa thông và hàn the vừa bị lực lượng chức năng phát hiện tại Nghệ An cần phải truy cứu và xử lý hình sự.
Có mạnh tay như vậy thì mới mong các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm chưa bị phát hiện sẽ nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, sức khỏe của cộng đồng nhân dân mới được đảm bảo.